Quốc hội thông qua Nghị quyết về bổ sung dự toán ngân sách chi thường xuyên
Kinhtedothi - Chiều 23/5, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài) năm 2025.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên. Ảnh: Quochoi.vn
Nghị quyết quyết nghị về bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2025. Cụ thể, bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài là 4.327,121 tỷ đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài là 4.327,121 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương như Tờ trình số 335/TTr-CP ngày 9/5/2025 của Chính phủ.
Nghị quyết cũng quyết nghị Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, nội dung đề xuất, bảo đảm việc bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đủ thủ tục, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán nguồn vốn viện trợ của nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Kiểm toán Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội: cần có tiêu chí rõ ràng với đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội
Kinhtedothi - Các đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được thuê nhà ở xã hội, trong đó bổ sung đối tượng thuê nhà ở xã hội là cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính.

Đại biểu Quốc hội: làm rõ việc áp dụng chính sách miễn học phí với mô hình giáo dục chất lượng cao
Kinhtedothi - Thực tế hiện nay tồn tại một số loại hình cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành thực nghiệm, tư thục..., đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo làm rõ quy định về hỗ trợ học phí với các loại hình giáo dục này.

Chủ tịch Quốc hội: đã có Ban chỉ đạo, tại sao hàng giả diễn ra số lượng lớn?
Kinhtedothi - “Trong thời gian qua, chúng ta đã bắt nhiều tấn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Luật đã có, Ban chỉ đạo cũng đã có từ Trung ương đến địa phương nhưng tại sao lại để hàng gian, hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như thế?” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề tại phiên thảo luận tổ ngày 23/5.