Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua tỷ lệ góp vốn của Nhà nước với dự án PPP

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 28/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 28/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc chiều 28/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tiêu chí lựa chọn thí điểm, Chính phủ đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn dự án thí điểm. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương đã rà soát, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết và danh mục dự án... Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án đề xuất với Quốc hội. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án tại dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại Kỳ họp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại Kỳ họp

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bỏ quy định về đối tượng áp dụng tại Dự thảo Nghị quyết, vì phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 quy định chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đối với các dự án nêu tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết đã bao hàm đối tượng, địa chỉ cụ thể áp dụng các dự án.

Về cam kết bảo đảm tiến độ, trách nhiệm phối hợp của các địa phương trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án, năng lực quản lý dự án của địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án thuộc trách nhiệm của các địa phương. Bên cạnh đó, công tác này liên quan đến nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, đối tượng bồi thường, tái định cư... và đã được quy định cụ thể tại pháp luật có liên quan. Vì vậy, tại điểm b khoản 4 Điều 7 Dự thảo Nghị quyết đã quy định UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án theo pháp luật về xây dựng.

Giải trình về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 2), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nên việc triển khai thực hiện dự án đều có chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lớn, do đó việc cho phép HĐND TP được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án là phù hợp.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Tuy nhiên, đối với các dự án đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng có thể không cao nhưng do lưu lượng xe thấp, nếu áp dụng theo cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh thì sẽ không bảo đảm được phương án tài chính cho dự án. Tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết đã quy định rõ mức tối đa của từng Dự án. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án không quá 70% hoặc 80% tổng mức đầu tư để bảo đảm phương án tài chính cho các khu vực khó khăn, lưu lượng xe thấp cần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, theo báo cáo của Chính phủ các dự án PPP đề xuất thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết đã hoàn thiện theo hướng cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 2 dự án theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Về dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Nghị quyết đã chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 như sau: “nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác”; chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 5 như sau: “phần vốn Nhà nước tham gia tăng thêm trong tổng mức đầu tư của Dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác”. Tại khoản 7 Điều 7 quy định “Chính phủ chịu trách nhiệm về nguồn vốn và số vốn còn thiếu trong tổng mức đầu tư của dự án quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này; tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất sau khi các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư”.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc chiều 28/11
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc chiều 28/11

Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sau về số vốn cần bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với chủ trương đầu tư của dự án và tỷ lệ cụ thể vượt quá quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công và gắn với nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc bổ sung 63.725 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các nội dung này, Chính phủ cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét về ngân sách và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…

Dự thảo Nghị quyết theo hướng Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/ 2025. Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.