Quốc hội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (16/11), Quốc hội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thời gian thực hiện chất vấn trong 2,5 ngày (16-18/11), được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Đây là kỳ họp gần cuối khóa XIII, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10 được tiến hành với cách thức mới, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ cũng không theo nhóm vấn đề. Đây cũng là phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ.
 
Theo chương trình làm việc, hôm nay (16/11), sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Quốc hội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên chất vấn.
Tiếp đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

​Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.

Sau các báo cáo, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn. Đã có 65 đại biểu đăng ký tham gia đặt câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao.  Các đại biểu đầu tiên tham gia chất vấn là Nguyễn Thanh Sơn (đoàn Nam Định), Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Vũng Tàu). Đặc biệt, đại biểu Trương Văn Vở đã một lúc hỏi cả 5 bộ trưởng với các vấn đề khác nhau, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đưa ra một tập hồ sơ, chữ ký của 40 doanh nghiệp khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu sáng 16/11.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn sáng 16/11.
Các đại biểu đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục&Đào tạo về vấn đề trồng rừng thay thế cho các công trình thủy điện, phê duyệt dự án trồng rừng, phân cấp địa phương về DN công nghệ cao, việc thực hiện Thông tư 21 quy định đăng ký một hoạt chất trong thuốc Bảo vệ thực vật, tình trạng thừa thầy, học sinh nghề ra trường thất nghiệp, đề án cải cách chương trình SGK, đặc biệt là cải cách trong việc giảng dạy môn Lịch sử. Tuy nhiên, do bận việc nên câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo được thư ký ghi lại để Bộ trưởng trả lời trong chiều nay. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu.