Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội xem xét Dự án Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/10, Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) đã được trình ra Quốc hội xem xét lần đầu tiên.

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc Dự Luật đã bổ sung một số quy định cụ thể về nhiệm vụ của MTTQVN trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và được thể hiện tại Chương III của dự thảo Luật. Việc bổ sung này là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng của MTTQVN, đồng thời đề nghị trong Luật cần phân biệt đại diện của Mặt trận với đại diện của cơ quan dân cử vì đại diện của Mặt trận là đại diện có tính chất xã hội, không phải đại diện do nhân dân trực tiếp ủy quyền mang tích chất quyền lực nhà nước. 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân của MTTQVN cần phải được thể hiện rõ hơn. Bởi vì, để có chức năng đại diện cho Nhân dân, cần phải làm rõ cơ chế Nhân dân ủy quyền cho MTTQVN; phương thức đại diện, phương thức bảo vệ như thế nào? Hiến pháp quy định công dân có rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng về các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, các quy định của dự thảo Luật mới tập hợp một số quy định về nhiệm vụ của MTTQVN hiện đang thực hiện như phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách, pháp luật; tham gia tố tụng, tham gia công tác đặc xá; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo mà chưa thể hiện đầy đủ, rõ nét phương thức đại diện, phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trong những tình huống, vụ việc cụ thể trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. 

Về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu các hình thức giám sát cho phù hợp, đa dạng, phong phú hơn nhằm bảo đảm việc giám sát mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tạo nên sự nặng nề, trùng lắp tầng nấc giám sát. Quy định “Tổ chức đoàn giám sát” (khoản 3 Điều 28) cần được cân nhắc một cách thận trọng cho phù hợp với tính chất hoạt động của Mặt trận; quy định “Các hình thức giám sát khác phù hợp với quy định của pháp luật” (khoản 5 Điều 28) là chưa rõ ràng, vì Luật này quy định về hoạt động giám sát của MTTQVN nên cần phải quy định cụ thể các hình thức giám sát. 

Nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật cũng tán thành quy định của Dự Luật về đối tượng và nội dung phản biện xã hội và cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì phải chăng chỉ nên giới hạn phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQVN. Tuy nhiên, cần xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản bị phản biện xã hội đối với kiến nghị sau phản biện; xác định rõ mối quan hệ giữa phản biện xã hội với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước.

Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 12/11.