Di sản hát Dô là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, không chỉ mang bản sắc văn hóa mà còn lưu giữ được nhiều giá trị đạo đức và thẩm mỹ của dân tộc. Hát Dô mang tính nghi lễ, gắn với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh.
Lời hát Dô thể hiện sự tôn kính của Nhân dân đối với vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của Việt Nam; phản ánh nhận thức của người dân về thiên nhiên và ước mơ của người dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu... Điều đặc biệt, đó là thông qua nghệ thuật hát Dô, cả nghệ nhân trình diễn, người xem thêm gắn bó hơn, đoàn kết hơn, thể hiện tình làng nghĩa xóm.
Hát Dô có 3 kiểu: Hát thờ (hát trong đền), hát trúc, hát múa bỏ bộ (hát ngoài sân đền). Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Nội dung chủ yếu của các bài hát là cầu mong sự bình yên, che chở của vị Thánh mà họ ngưỡng mộ, mong muốn một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Tiếp đó là những câu hát về bốn mùa, về các loài hoa, nói lên khát vọng của con người trong nhận thức về thế giới tự nhiên.
Với giá trị to lớn của hát Dô, ngày 6/3/2023, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô của xã Liệp Tuyết là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng khẳng định, Di sản hát Dô được Nhà nước công nhận không chỉ là niềm vui của Nhân dân xã Liệp Tuyết mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của người dân Quốc Oai.
Do vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đề nghị các cấp, các ngành, người dân xã Liệp Tuyết tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Đồng thời đề nghị cấp uỷ, chính quyền xã Liệp Tuyết xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản; hỗ trợ đối với các nghệ nhân, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ và phát huy di sản; hỗ trợ cho câu lạc bộ trong việc duy trì, truyền dạy cho các thế hệ kế tục...