Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc Oai dồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều ngày chịu ảnh hưởng của mưa lũ, người dân Quốc Oai đã trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, hậu quả của mưa lũ để lại không nhỏ, đề nghị TP sớm quan tâm hỗ trợ huyện khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với ngập lụt trong thời gian tới.

Tập trung vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng

Sau nhiều ngày ảnh hưởng mưa lũ, đến nay các xã bị ảnh hưởng mưa lũ trên địa bàn huyện Quốc Oai đã quay trở lại cuộc sống bình thường, người dân tập trung vệ sinh nhà cửa, khắc phục diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng. Hiện, huyện đang tập trung tổng vệ sinh môi trường phun thuốc khử trùng để đảm bảo đời sống Nhân dân vùng lũ. Ngày 1/8, UBND huyện đã huy động trên 400 người gồm Hội Nông dân, hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, Trung tâm Y tế huyện, Nhân dân địa phương...

Xóm Bến Vôi (Cấn Hữu) - địa phương bị ngập nặng nhất của huyện Quốc Oai nước đã rút, người dân quay lại cuộc sống bình thường.
Xóm Bến Vôi (Cấn Hữu) - địa phương bị ngập nặng nhất của huyện Quốc Oai nước đã rút, người dân quay lại cuộc sống bình thường.

Các lực lượng tích cực làm các nhiệm vụ khơi thông cống rãnh, trục vớt rác trôi nổi tại các điểm ngập trũng, đọng nước, thu gom rác thải, phế thải tới điểm tập kết. Tổng số rác thu gom từ ngày 1-4/8 là 107 tấn, phun tiêu độc khử trùng cho trên 3.000m2 diện tích đường làng, ngõ xóm, khu trường học, nhà văn hóa…

 

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKN huyện Quốc Oai, đến 16 giờ, ngày 5/8, mức nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc là 7,21m (trên báo động lũ cấp 2 là 0,01m). Thiệt hại do mưa lũ làm 988,7ha diện tích canh tác, tủy sản bị ngập, thiệt hại. Tuyến kênh N18 qua địa bàn xã Tuyết Nghĩa có 82m bị sập hoàn toàn, còn lại 210m bị nứt nghiêng.

Phòng Y tế huyện đã huy động xã hội hoá của các cơ sở kinh doanh thuốc ngoài công lập với khoảng 5 tạ thuốc và các sản phẩm khác với hơn 30 loại gồm thuốc tra mắt, thuốc trị các bệnh ngoài da, thuốc dị ứng, nước muối sinh lý nattri clorid 0,9%... tổng trị giá hơn 25 triệu đồng để hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn huyện bị ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 2.

Ngày 3/8, phòng Y tế đã tổ chức bàn giao số thuốc và các sản phẩm trên cho Ban chỉ đạo PCTT&TKCN của 3 xã: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết để cấp phát cho 265 hộ dân bị ngập lụt trên địa bàn.

Trung tâm Y tế huyện cấp thuốc cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ.
Trung tâm Y tế huyện cấp thuốc cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ.

Trung tâm Y tế huyện tổ chức lực lượng cán bộ y tế phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột phòng chống dịch bệnh và cấp phát 10 kg thuốc sát trùng Cloramin B phòng chống dịch bệnh cho các hộ dân trong vùng bị ngập.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, huyên đang tiếp tục thực hiện tổng vệ sinh môi trường tại các xã bị ảnh hưởng mưa lũ. Dự kiến đến 10/8 sẽ thực hiện xong theo phương châm nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh, thu gom rác, vệ sinh tiêu độc đến đó, cộng với phun thuốc khử trùng để đảm bảo đời sống cho Nhân dân.

Cùng với đó, Phòng Kinh tế huyện đang phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát thống kê thiệt hại của Nhân dân bị ảnh hưởng do mưa bão, theo quy định tại Nghị đinh số 02/2017/NĐ-CP của Chính Phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất do ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh.

Trước đó, UBND huyện đã huy động 3.890 lượt người và 156 phương tiện tham gia hỗ trợ 5 xã bị ảnh hưởng mưa lũ (trong đó Quân đội đóng trên địa bàn 490 đồng chí; quân đội tăng cường 450 đồng chí; công an 239 đồng chí). Vật tư đã sử dụng 3235 m3 đất cát; 38650 bao tải; 320 m2 bạt…

UBND Huyện, Mặt trận Tổ quốc Huyện và các đoàn thể đã tổ chức hỗ trợ 160 xuất quà cho các hộ bị ngập sâu gặp khó khăn trong đó mỗi hộ: 20 kg gạo, 3 thùng mỳ tôm, nước uống 3 bình nước 20 lít và đang tiếp tục hỗ trợ các hộ còn lại ít bị ảnh hưởng.

Các lực lượng đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường.
Các lực lượng đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường.

Nhiều tuyến đê, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng

Thời điểm này, tuy nước đã rút, nhưng hậu quả của lũ lụt để lại cho địa phương không hề nhỏ. Do ảnh hưởng mưa lũ, đã gây sụt lón cống tiêu tại đê bao Phú Bình, thôn 2, xã Phú Cát. Ngày 28/7, tại đoạn đê thuộc thôn Cấn Hạ Bị sạt trượt khoảng 10m chân cơ đê. Đến ngày 28/7, xảy ra hiện tượng tràn đê Đồng Lọng, mức tràn 0,3m.

Ảnh hưởng mưa lũ làm sụt lún, hư hỏng nhiều tuyến đường, hệ thống kênh mương thủy lợi của Quốc Oai.
Ảnh hưởng mưa lũ làm sụt lún, hư hỏng nhiều tuyến đường, hệ thống kênh mương thủy lợi của Quốc Oai.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai đã chỉ đạo “4 tại chỗ” huy động lực lượng triển khai khắc phục kịp thời, cơ bản được xử lý xong.

Cùng với đó, tại tuyến đê hữu Đáy có 4 sự cố sạt trượt mái đê. Cụ thể, trạt trượt mái đê thượng lưu (thuộc địa bàn xã Sài Sơn) đoạn từ  K8+550 ÷ K8+562. Chiều dài cung sạt: 12m; vị trí chênh cao nhất là 0,6m; cao trình mặt đê là +13.35m; cao trình chân đê là +9.28m.

Sạt trượt mái đê thượng lưu (thuộc địa bàn xã Đồng Quang) đoạn từ K15+520 ÷ K15+550; cao trình mặt đê là +12.63m; cao trình chân đê là +7.96m. Chiều dài cung sạt là 30m. Vị trí chênh cao nhất là 1,2m. Đỉnh cung sạt cách mép lề đê khoảng 2,8m.

Sự cố sạt trượt mái đê thượng lưu (thuộc địa bàn xã Đồng Quang) đoạn từ (K15+050 ÷ K15+100). Chiều dài cung sạt khoảng 50m, sạt sâu từ 0,6 - 1,1m;  cao trình mặt đê là +13.08m; cao trình chân đê là +6.45m.

Sạt trượt mái đê thượng lưu (thuộc địa bàn xã Tân Hoà) đoạn từ K18+100 ÷ K18+120. Cao trình mặt đê là +13.00m; cao trình chân đê là +9.06m. Chiều dài cung sạt: 20m. Vị trí chênh cao nhất là 0,5m.

Hiện, UBND huyện đã phối hợp Hạt quản lý đê số 13 và các xã, thị trấn có vị trí gặp sự cố tiếp tục theo dõi, đặt biển cảnh báo sự cố tại từng vị trí sạt trượt, tuyên truyền cảnh báo cho Nhân dân trong khu vực, hạn chế xe có tải trọng lớn qua lại và nếu diễn biễn các điểm sạt trượt này có nguy cơ mất an toàn đê UBND huyện sẽ tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài ra, mưa lũ cũng làm hư hỏng nặng hệ thống công trình thủy lợi. Cụ thể, ngày 2/8, tại xã Tuyết Nghĩa hư hỏng hệ thống kênh N18 mương với chiều dài khoảng 140m. Ngoài ra dọc tuyến mương còn lại đều sụt lún so với mặt đường khoảng 5cm.

UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn; các tiểu ban, cơ quan đơn vị tập trung chỉ đạo, tổ chức huy động vật tư để đảm bảo cho công tác phòng chống úng, ngập, những sự cố trên các tuyến đê. Bố trí điểm tập kết đất, lấy đất hộ đê cách chân đê 500m để chủ động xử lý sự cố ngay từ giờ đầu khi xảy ra tại địa phương. Sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó khi có tình huống; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, nhà ở an toàn; sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Các tuyến đường và thủy lợi bị hư hỏng nặng, cần phải khắc phục sửa chữa sớm để không ảnh hưởng tới việc đi lại và sản xuất của người dân.
Các tuyến đường và thủy lợi bị hư hỏng nặng, cần phải khắc phục sửa chữa sớm để không ảnh hưởng tới việc đi lại và sản xuất của người dân.

Đồng thời, cắm biển cảnh báo khu vực xảy ra sự cố, bảo vệ hiện trường, hạn chế người, phương tiện qua lại tại khu vực sự cố, ngăn chặn, xử lý xe quá tải trọng chạy trên đê. Báo cáo các sự cố và đề xuất giải pháp về Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện.

Rất mong thành phố quan tâm hỗ trợ

Hiện nay mực nước sông Tích vẫn trên báo động lũ cấp 2, các cống dưới đê chịu áp lực rất lớn như: cống Phú Bàn xã Phú Cát, cống Đồng Mạ, cống Khoang ông xã Hòa Thạch, cống Trại Nứa (TB Đông Yên tiêu), cống Ngọc Phúc xã Ngọc Liệp, cống Thông Đạt xã Liệp Tuyết, cống Hàm Rồng xã Tuyết Nghĩa, cống Trại Ro xã Cấn Hữu cần hoành triệt ngay tại các khe phai phía thượng lưu cống để bảo vệ cánh cống và thân công dưới áp lực của sông.

Huyện đang tích cực chỉ đạo các tiểu ban lực lượng và tìm kiếm cứu nạn thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Huy động lực lượng hiệp đồng với các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện về giúp địa phương ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Huy động lực lượng xung kích tập trung, xung kích tại chỗ sẵn sàng làm nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện.

Tuyến đường Độ Lân, xã Tuyết Nghĩa sạt trượt hết ta luy mái do mưa lũ.
Tuyến đường Độ Lân, xã Tuyết Nghĩa sạt trượt hết ta luy mái do mưa lũ.

Đồng thời kiểm tra, lên các phương án bảo vệ tuyến đê được giao; tiếp tục trực 24/24 giờ theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến thời tiết để thông báo hướng dẫn kịp thời thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh các loại hình thiên tai như mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất... có thể xảy ra.

Chỉ đạo Tiểu ban Chống úng và phục hồi sản xuất chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các biện pháp chống úng, phục hồi cây trồng sau mưa bão, ngập úng.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, UBND huyện kiến nghị TP quan tâm hỗ trợ để dự án sớm được khởi công đối với tuyến đê tích với chiều dài 10,6 km đã được UBND huyện phê duyệt cải tạo, nâng cấp, mở rộng đê kết hợp với giao thông là 2 dự án với tổng mức đầu tư 538 tỷ; 1 dự án đã được thành phố hỗ trợ với tổng chiều dài 3,47 km, tổng mức đầu tư 136 tỷ kế hoạch vốn bố trí vốn năm 2024 là 60 tỷ, dự kiến khởi công tháng 10/2024 và một dự án còn lại được phê duyệt với chiều dài 7,13 km tổng mức đầu tư 374 tỷ đồng.

Đối với Tuyến đê Đáy chạy qua địa bàn huyện Quốc Oai thuộc TP quản lý theo phân cấp, huyện đề nghị Sở NN&PTNT, Hạt quản lý đê số 13 thực hiện kiểm tra khắc phục kịp thời các vị trí bị sụt lún đang theo dõi. Đề nghị TP quan tâm hỗ trợ để đầu tư nâng cấp, cải tạo khi huyện có kiến nghị đề xuất cụ thể.

Cùng với đó, đề nghị UBND TP,  Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội quan tâm hỗ trợ 500 hộ, cá nhân bị ngập úng và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt do ảnh hưởng của cơn bão số 2 theo Văn bản số 23/BC-MTTQ-BTT của MTTQ Việt Nam huyện Quốc Oai ngày 30/7/2024.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, sau khi mưa lũ kết thúc, huyện sẽ thực hiện tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, thủy lợi để có giải pháp khắc phục, đặc biệt ưu tiên các tuyến đê xung yếu, như tuyến đê Dớn, đê Khoang Lươn xã Đông Yên (chắn lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về); đê Minh Khai, đê Đồng Giắp xã Cấn Hữu; đê Phú Bàn xã Phú Cát và các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng...