Quốc Oai hỗ trợ tiểu thương chợ Phủ chuyển về chợ tạm an toàn, thuận tiện

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 30/10, huyện Quốc Oai đã huy động nhân lực, phương tiện, hỗ trợ các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ Phủ di chuyển sang chợ tạm thuận tiện, an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.

Ngay từ sáng sớm, không khí di dời hàng hóa tại chợ Phủ đã diễn ra khẩn trương, tấp nập.
Ngay từ sáng sớm, không khí di dời hàng hóa tại chợ Phủ đã diễn ra khẩn trương, tấp nập.

Ghi nhận tại chợ Phủ (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) sáng 30/10 cho thấy, cơ bản các tiểu thương, hộ kinh doanh tại đây đã tự nguyện chấp hành di chuyển hàng hóa về chợ tạm tại khu ĐG 06, thị trấn Quốc Oai. Nhiều gian hàng đã di dời toàn bộ hàng hóa, bàn giao lại mặt bằng trống. Một số gian hàng còn lại đang sắp xếp lại hàng hóa, sẵn sàng chuyển về chợ tạm trước ngày 31/10.

Huyện huy động lực lượng gồm các tổ chức đoàn thể, phương tiện hỗ trợ tiểu thương.
Huyện huy động lực lượng gồm các tổ chức đoàn thể, phương tiện hỗ trợ tiểu thương.

Để hỗ trợ các tiểu thương, huyện Quốc Oai đã huy động lực lượng khoảng 200 người, gồm MTTQ huyện và các đoàn thể, như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, dân quân tự vệ…. cùng phương tiện, như ô tô tải, bao tải… hỗ trợ các tiểu thương di chuyển từ chợ Phủ sang điểm kinh doanh tạm được thuận tiện, an toàn. Không khí di dời, vận chuyển hàng hóa khẩn trương, tấp nập. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển, huyện cũng huy động lực lượng công an, phòng cháy chữa cháy, y tế, điện lực… ứng trực tại chợ Phủ và chợ tạm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn trực tiếp chỉ huy các lực lượng hỗ trợ tiểu thương chợ Phủ di dời sang chợ tạm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn trực tiếp chỉ huy các lực lượng hỗ trợ tiểu thương chợ Phủ di dời sang chợ tạm.

Tại gian hàng của bà Bùi Thị Ngân, tiểu thương bán hàng vải tại chợ Phủ có rất đông hội viên Hội Phụ nữ thị trấn Quốc Oai hỗ trợ sắp xếp hàng hóa để di chuyển sang chợ tạm. Nhanh tay xếp những xấp vải vào tải, bà Bùi Thị Ngân vui vẻ cho biết: “Hàng hóa của tôi chuyên các loại vải may mặc, nên rất nặng, cồng kềnh. Rất may mắn, huyện đã huy động lực lượng hỗ trợ, nên việc di chuyển về chợ tạm được thuận tiện, nhanh chóng và không tốn kém chi phí”.

Trực tiếp chỉ huy các lực lượng ra quân làm nhiệm vụ tại chợ Phủ sáng 30/10, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết: huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các tiểu thương di dời đến điểm kinh doanh tạm an toàn, thuận tiện. Song song với đó, để không làm gián đoạn công việc kinh doanh của các tiểu thương, UBND huyện Quốc Oai đã bố trí điểm kinh doanh tạm thời tại khu ĐG 06, thị trấn Quốc Oai (cách chợ Phủ khoảng 300m).

Đại diện các ban, ngành, đoàn thể huyện Quốc Oai có mặt tại chợ Phủ tuyên truyền, hỗ trợ các tiểu thương di dời sang chợ tạm.
Đại diện các ban, ngành, đoàn thể huyện Quốc Oai có mặt tại chợ Phủ tuyên truyền, hỗ trợ các tiểu thương di dời sang chợ tạm.

Về hạ tầng tại điểm kinh doanh tạm thời có giao thông đi lại thuận lợi, tổng diện tích khoảng 8.000m2. đã đầu tư san lấp mặt bằng, lắp dựng nhà điều hành, nhà vệ sinh, sơn kẻ vạch phân ô gian hàng. Công ty điện lực đã tiến hành lắp dựng tủ điện chính, đấu nối, kéo dây đường trục giữa chợ tạm, đã đấu nối trực tiếp công tơ điện đến từng gian hàng của các tiểu thương (theo đăng ký từng tiểu thương). Hoàn thành lắp dựng hàng rào, dựng khung thép đối với các gian hàng, đổ bê tông toàn bộ lối đi tại chợ tạm.

Các tiểu thương bỏ kinh phí lợp mái tôn, huyện không thu các khoản chi phí như tiền thuê điểm kinh doanh tạm thời trong thời gian cải tạo nâng cấp chợ Phủ. Các tiểu thương chỉ đóng tiền điện, nước theo nhu cầu thực hiện. “Huyện sẽ ưu tiên cho các hộ tiểu thương đã có hợp đồng thuê tại chợ Phủ tiếp tục được thuê các gian kiot bán hàng sau khi chợ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng” – ông Phạm Quang Tuấn khẳng định.

Các lực lượng hỗ trợ tiểu thương vận chuyển đồ sang chợ tạm.
Các lực lượng hỗ trợ tiểu thương vận chuyển đồ sang chợ tạm.

Trước khi tổ chức di dời, huyện đã tổ chức tuyên truyền, đối thoại với các tiểu thương. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên việc di chuyển chợ Phủ ra địa điểm kinh doanh tạm đã nhận được sự đồng thuận của Nhân dân và các tiểu thương. Đến nay, cơ quan chức năng của huyện đã tiếp nhận đơn đăng ký di chuyển đến điểm kinh doanh tạm của 252 tiểu thương (trong đó có 86 tiểu thương là hộ kinh doanh tự do). Có 170 tiểu thương đã nhận bàn giao diện tích gian hàng và đã có 120 hộ tiểu thương đã hoàn thiện gian hàng tại điểm kinh doanh tạm. Thời gian khai thác điểm kinh doanh tạm dự kiến khoảng 24 tháng (dự kiến từ tháng 11/2024-11/2026).

Chợ tạm được bố trí cách chợ Phủ 300m, thuận tiện giao thông đi lại.
Chợ tạm được bố trí cách chợ Phủ 300m, thuận tiện giao thông đi lại.

Dự án cải tạo nâng cấp chợ Phủ, huyện Quốc Oai dự kiến sẽ được khởi công vào quý IV/2024. Dự án có tổng mức đầu tư  64,7 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư. Quy mô đầu tư xây dựng chợ Phủ trong khuôn viên hiện trạng của chợ với diện tích khoảng 7.709,84m2 và đầu tư các hạng mục: xây mới chợ truyền thống 1 tầng, diện tích xây dựng 2.975,47m2, chiều cao đến định mái cao 9,92m.

Khu chợ ngoài trời và các hạng mục phụ trợ: cổng, tường rào, đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước, thoát nước, bể sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh và trạm bơm diện tích xây dựng 48,36m, 1 tầng, chiều cao đến đỉnh mái cao 4,2m; bãi đỗ xe, khu tập kết rác, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống phòng cháy chữa cháy đồng bộ.

Các công trình hạ tầng kỹ thuật tại chợ Phủ đã xuống cấp không đảm bảo yêu cầu phục vụ đối với các hoạt động kinh doanh tại chợ.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật tại chợ Phủ đã xuống cấp không đảm bảo yêu cầu phục vụ đối với các hoạt động kinh doanh tại chợ.

Chợ được thiết kế gồm 335 gian hàng và 80 điểm kinh doanh ngoài trời. Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2026. Sau khi dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương, kinh doanh buôn bán được tốt hơn, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của Nhân dân trong và ngoài địa phương, góp phần thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển, giải quyết việc làm, ổn định xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.