Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc Oai nỗ lực để du lịch cất cánh

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ vọng trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với Hà Nội, huyện Quốc Oai đã và đang nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch. Từng bước đưa ngành du lịch phát triển bền vững, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn

Văn hóa đặc sắc, phong cảnh hữu tình

Lợi thế địa hình bán sơn địa, đồng bằng xen lẫn đồi núi là món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quốc Oai có nhiều thắng cảnh đẹp tự nhiên để phát triển loại hình du lịch sinh thái, vui chơi, nghỉ dưỡng cuối tuần. Nơi đây còn là cái nôi của văn hóa xứ Đoài, có bề dày lịch sử, văn hóa, với 220 di tích, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy, thuộc xã Sài Sơn và di tích Quốc gia đặc biệt đình So (xã Cộng Hòa); 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 64 di tích xếp hạng cấp TP. Bên cạnh đó, Quốc Oai còn có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như: nghệ thuật tuồng ở Dương Cốc (xã Đồng Quang); chèo ở Đại Thành, hát Dô ở Liệp Tuyết, múa rối nước ở Sài Sơn, văn hóa cồng chiêng ở Phú Mãn, Đông Xuân… trở thành lợi thế thu hút khách du lịch đến Quốc Oai khám phá, trải nghiệm. Hay các làng mạc, ruộng vườn nằm dọc vành đai sông Đáy cũng mở ra tiềm năng lớn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho huyện.

Đoàn Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023 đến tham quan trải nghiệm tại Quốc Oai.
Đoàn Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023 đến tham quan trải nghiệm tại Quốc Oai.

Để phát huy hiệu quả các tiềm năng du lịch, thời gian qua, huyện đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để quảng bá vùng đất, con người Quốc Oai đến với du khách trong và ngoài nước. Huyện định hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề… dựa theo thế mạnh từng khu vực. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương… Nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng đã và đang được xây dựng.

Hiện nay, cùng với việc đầu tư cải tạo, sửa chữa, chỉnh trang các khu di tích, Quốc Oai đã khảo sát và xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối. Theo đó, huyện kết hợp với tổ hợp khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội khai thác các sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí hấp dẫn tại đây; đưa văn hóa cồng chiêng, múa rối vào biểu diễn tại tổ hợp này. Song song, huyện xây dựng các tuyến du lịch trải nghiệm gắn với tiêu thụ nông sản đặc sản của các xã miền bãi sông Đáy như nhãn muộn, bưởi Diễn…

Nhiều kết quả tích cực

Để hướng tới hình ảnh là điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, thời gian qua, Quốc Oai tích cực phối hợp tổ chức các chương trình tọa đàm nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch, các lớp tập huấn du lịch cộng đồng. Đồng thời, đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch homestay tại khu vực Đông Xuân, Phú Mãn... UBND huyện đã phối hợp với Sở Du lịch tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch.

Đặc biệt, việc đảm bảo môi trường, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch luôn được huyện chú trọng. Huyện cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch. Huyện chủ động phối hợp xây dựng bản đồ số du lịch cho du khách và người dân thông qua hệ thống website, app ứng dụng với các tiện ích, cung cấp đa dạng tính năng, thông tin về du lịch của huyện đáp ứng nhu cầu của du khách, cơ sở kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với đó, đổi mới mô hình quầy thông tin hỗ trợ khách du lịch trên địa bàn, mở rộng các điểm phát wifi miễn phí, triển khai các bảng điện tử tương tác, camera kỹ thuật số và thiết bị để cung cấp đầy đủ thông tin cho du khách.

Với việc áp dụng công nghệ thực tế ảo 360 độ/VR 360, sau khi được số hóa, người dân trên mọi miền Tổ quốc có thể truy cập và trải nghiệm không gian thực tế ảo tại các di tích đặc biệt cấp Quốc gia trên địa bàn huyện khi chưa có điều kiện đến với nơi đây. Qua đó,  di tích sẽ được lưu trữ và trình diễn trên nền tảng số hoàn toàn và có thể bảo tồn những hình ảnh thực tế.

Du khách tham quan đình So, huyện Quốc Oai. Ảnh: Phương Nga
Du khách tham quan đình So, huyện Quốc Oai. Ảnh: Phương Nga

Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch, năm 2023, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể, thiết thực thu hút khách du lịch về địa phương. Trong đó có thể kể đến như: UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch; phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch khảo sát đánh giá hiện trạng phát triển du lịch và định hướng, giải pháp phát triển ngành du lịch; tham gia gian hàng quảng bá du lịch huyện Quốc Oai tại Festival Thu Hà Nội năm 2023, Lễ hội Du lịch quà tặng của TP… góp phần gia tăng lượng khách du lịch hằng năm. Huyện đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Tập trung hỗ trợ các đơn vị, DN, tổ chức, cá nhân xây dựng một số mô hình sản phẩm du lịch, tour du lịch mới, độc đáo, an toàn.

Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của du lịch Quốc Oai, khi được TP ban hành Quyết định số 2281/QĐ-UBND ngày 18/4/2023 công nhận “Điểm Du lịch Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy”. Sau nhiều nỗ lực, lượng du khách đến với huyện ngày một tăng, với khoảng trên 300.000 lượt khách du lịch/năm đến tham quan trải nghiệm. Điểm nhấn nữa của du lịch Quốc Oai trong năm 2023 là, huyện đã phối hợp tổ chức đón tiếp nhiều đoàn khách quý như đoàn Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Miss Grand International 2023 với 71 quốc gia tham dự. Qua đó, hình ảnh du lịch Quốc Oai đã được lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn cả ở quốc tế.