Lễ mừng thọ, chúc thọ đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Truyền thống tốt đẹp đó đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý giá, mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc nhằm phát huy vai trò của lớp người cao tuổi trong gia đình và xã hội. Điều này còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người cao tuổi, là tấm lòng thành kính của thế hệ trẻ đối với những người đi trước, đồng thời là nguồn động lực lớn để người già sống vui, khỏe, có ích.
Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, huyện Quốc Oai đã có những cách tổ chức lễ mừng thọ linh động, vừa đảm bảo tính trang trọng, ý nghĩa, tiết kiệm, vừa phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, thay vì tổ chức cỗ bàn linh đình, các thôn trên địa bàn huyện đã tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao niên tại đình làng hoặc nhà văn hóa thôn. Buổi lễ mừng thọ được tổ chức long trọng theo nghi thức, phong tục truyền thống của từng địa phương với nhiều hoạt động ý nghĩa như chúc thọ và tặng quà cho các bậc cao niên.
Bước sang tuổi 70, ông Hà Hữu Hồng thôn Việt Yên, xã Đông Yên vui mừng khi được tổ chức mừng thọ tập trung tại nhà văn hoá thôn. Ông Hồng chia sẻ: “Việc tổ chức mừng thọ cho các cụ tại nhà văn hoá thôn rất văn minh, trang trọng, tiết kiệm và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Qua đó khắc phục được tình trạng ăn uống linh đình, mời khách kéo dài nhiều ngày”.
Nhà văn hoá thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn vào những ngày đầu Xuân luôn đông vui, nhộn nhịp, bởi đây là thời điểm diễn ra lễ mừng thọ cho người cao tuổi trong làng. Nhân dịp Xuân Nhâm Dần năm 2022, thôn Sơn Trung có 80 cụ từ 70 tuổi trở lên được chúc thọ. Lễ mừng thọ cho các cụ đã diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi đơn giản nhưng trang trọng, đầm ấm thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên.
Sau buổi mừng thọ được tổ chức tại nhà văn hoá thôn, cụ Nguyễn Thị Tý về nhà vui vẻ và phấn khởi đón tuổi 90 cùng con, cháu. Vui và xúc động vì được con cháu quan tâm, chăm lo khi tuổi già, cụ Tý chia sẻ: “Chẳng cần mâm cao cỗ đầy, ở tuổi này tôi chỉ cần nhìn thấy con cháu khôn lớn, thành đạt, gia đình sống hạnh phúc, biết bảo ban nhau làm ăn là phúc lớn nhất của cuộc đời tôi”.
Theo dòng chảy của thời gian, lễ mừng thọ vẫn được gìn giữ và trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Dù mỗi địa phương, mỗi gia đình có cách chúc thọ, mừng thọ khác nhau nhưng đều hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp. Đây là dịp để con cháu, những người thân ở khắp mọi miền, dù bộn bề với cuộc sống mưu sinh vẫn trở về sum họp, quây quần bên gia đình và thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà với những lời chúc tốt đẹp. Truyền thống tốt đẹp đó đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc nhằm phát huy vai trò “cây cao bóng cả” của lớp người cao tuổi trong gia đình và xã hội hiện nay.