Quốc tế sẽ không ngồi yên để Trung Quốc “quân sự hóa” Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Bắc Kinh ngang ngược xác nhận đưa vũ khí ra Biển Đông tuần qua, các quốc gia không những lên tiếng phản đối mạnh mẽ mà còn bày tỏ sẵn sàng hành động trước những diễn biến tồi tệ hơn trong khu vực.

Dư luận thế giới tuần qua tiếp tục “dậy sóng” khi Trung Quốc ngang ngược xác nhận đã đưa vũ khí ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuyên bố được đưa ra sau khi trang Fox News công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy xuất hiện bệ phóng tên lửa và radar ở đảo Phú Lâm, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Ngày 22/2, đại diện Washington đã thúc giục Australia xúc tiến tuần tra Biển Đông để cùng Mỹ thực hiện “quyền tự do hàng hải” khu vực.

Phát biểu tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Sydney ngày 22/2, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin đã kêu gọi Australia cùng Mỹ tiến hành các hoạt động hải quân nhằm khẳng định quyền “tự do hàng hải” ở Biển Đông.

Phó Đô đốc Aucoin là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong quân đội Mỹ. Ông đang có chuyến thăm Australia để hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo quốc phòng nước chủ nhà, trong đó có thảo luận về những mối quan ngại ngày càng tăng về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đặt radar và bệ phóng tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đặt radar và bệ phóng tên lửa trên đảo Phú Lâm

thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Reuters, Phó Đô đốc Aucoin khẳng định, việc Australia và những nước khác cử tàu chiến tuần tra quốc tế ​tại khu vực Biển Đông sẽ đem lại những lợi ích cho khu vực này.
Kể từ tháng 10/2015, Mỹ đã tiến hành 2 đợt tuần tra trong phạm vi 12 hải lý gần đảo Tri Tôn của Việt Nam, cũng như các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Bắc Kinh đã vô cùng tức giận trước những hành động này.

Ông cho biết Mỹ sẽ không thay đổi phương hướng hành động, nhằm đảm bảo những tuyến đường biển này vẫn mở, đồng thời khẳng định, sẽ rất “sát đáng” nếu Australia và các nước khác có hành động tương tự Mỹ.

Trước đó ngày 21/2, phía Philippines khẳng định đã chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”. Inquirer dẫn lời Phó đô đốc Alexander Lopez, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây (WesCom) của quân đội Philippines, rằng dù chưa nâng mức độ báo động, các lực lượng vũ trang nước này “đang liên tục theo dõi các diễn biến”.

Phát biểu bên lề một cuộc họp tại Học viện Quân sự Philippines ở TP Baguio, thuộc tỉnh Benguet, ông Lopez cho biết, quân đội nước này đã “lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất trong những tình huống cụ thể, và các binh sĩ trong biên chế WesCom đã sẵn sàng cho những trường hợp như thế”. WesCom có đại bản doanh ở TP Puerto Princesa, Thủ phủ của tỉnh Palawan, chịu trách nhiệm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.

Phó đô đốc Lopez cũng khẳng định chính phủ Philippines quan ngại về việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 và radar đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. “Đây là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh khu vực”, ông Lopez nói, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh “đang quân sự hóa khu vực”.

Xét trên hành vi của Trung Quốc ở Hoàng Sa đã đi ngược lại cam kết không quân sự hóa của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như bất chấp luật pháp và những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Trong bài phỏng vấn độc quyền bên lề hội nghị Mỹ - ASEAN do hãng Channel News Asia đăng tải ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích mạnh mẽ việc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật ỷ mạnh hiếp yếu tại Biển Đông. “… Trung Quốc đang xoay sang chiêu trò cũ là chân lý thuộc về kẻ mạnh, bất chấp luật pháp và các chuẩn mực quốc tế nhằm thiết lập chủ quyền và giải quyết tranh chấp…”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Bài phỏng vấn được thực hiện trước khi có thông tin về hành động đưa tên lửa ra Biển Đông của Trung Quốc.