Quý 4/2019: Ngành Công nghiệp giảm tốc xuống thấp nhất trong nhiều quý

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng cục Thống kê, GDP Công nghiệp quý 4 chỉ tăng 7,92% đạt mức thấp hơn nhiều mức tăng của quý 3 (10,42%) và 9 tháng đầu năm (9,56%). Sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp đến từ cả 3 cấu thành là ngành khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất phân phối điện, khí đốt.

Quý 4, GDP của ngành công nghiệp giảm mạnh

Theo phân tích của các chuyên gia tại Công ty Cổ phần Chứng khoán (SSI): Sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế giảm 16%. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng 50 ngày trong quý 4 đã làm sụt giảm mạnh tăng trưởng toàn ngành. Sang năm 2020, tăng trưởng của ngành cũng sẽ thấp do khó có thể tăng công suất nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.
Sản xuất Kim loại tăng 9,3%, chưa bằng 1/3 mức tăng trung bình của 3 quý đầu năm. Tăng trưởng cao của ngành Sản xuất kim loại trong nhiều năm qua xuất phát từ dự án Formosa. Khi thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khó khăn, sản lượng của Formosa giảm sút, kéo theo tăng trưởng toàn ngành.
Theo thống kê của Hiệp hội thép, tổng sản lượng thép bán hàng trong 11 tháng là 21,2 triệu tấn, tăng 6,3%, trong khi đó 9 tháng trước tăng 8,5%; sản lượng thép xuất khẩu đạt 4,2 triệu tấn, giảm 2,6%, trong khi đó 9 tháng còn tăng 2,9%.
Sản xuất sản phẩm điện tử tăng 5,1%, riêng tháng 12 giảm 3,3%, mức thấp nhất 33 tháng trở lại đây. Ngành sản xuất điện tử sẽ chưa thể khả quan khi thị trường xuất khẩu điện thoại đã bão hòa. Nhập khẩu điện thoại và linh kiện liên tục sụt giảm, tháng 12 giảm 14%, là chỉ báo không tích cực cho sản xuất điện thoại và ngành điện tử trong giai đoạn đầu năm 2020.
Sản xuất xe có động cơ tăng 2,8%, riêng tháng 12 hồi phục 11,9% sau 4 tháng gần như không có tăng trưởng. Sự xâm lấn của ô tô nhập khẩu và cầu yếu đã khiến ngành sản xuất ô tô trong nước tăng chậm lại. Theo báo cáo bán hàng của VAMA, lượng xe lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 11 giảm 12,4% và tính chung 11 tháng giảm 12,8% trong khi xe nhập khẩu tăng tương ứng là 15% và 104%.
 
May mặc giảm tốc đáng báo động, quý 4 chỉ tăng 3,7%. Chiến tranh thương mại thực tế đã có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dệt may từ 2 góc độ, đó là: Tổng cầu dệt may toàn cầu tăng chậm 3,3% thay vì 7,4% như năm 2018; xu thế kinh doanh ngắn hạn của các đơn vị nhằm phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, dẫn tới khó tối ưu kế hoạch và chi phí cho doanh nghiệp dệt may.

Điểm tích cực của ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, ổn định đó là: Sản xuất đồ uống quý 4 tăng 10,3%, mức tăng cùng kỳ là 7,2%; ngành dệt tăng 12,3%, cùng kỳ tăng 12.7%; sản xuất da và sản phẩm da giày tăng 13,4%, cùng kỳ tăng 11,9%; chế biến gỗ tăng 11,9%, cùng kỳ tăng 11,3%; giấy và sản phẩm tăng 12,7%, cùng kỳ tăng 17,4%; sản phẩm từ cao su & plastic tăng 12,9%, cùng kỳ tăng 3,1%; sản phẩm nội thất gồm giường, tủ, bàn ghế tăng 12,9%, cùng kỳ tăng trên 19%.

Những ảnh hưởng của công nghiệp chế tạo đến tăng trưởng của nền kinh tế

Các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của cả nước đó là sản phẩm điện tử, xe có động cơ, dệt may và ngành có tăng trưởng rất cao là dầu mỏ tinh chế, kim loại, khi các ngành này tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mối liên hệ lớn đến hoạt động của khối FDI. Xuất khẩu của khối FDI trong năm 2019 chỉ tăng 4,2%, trong khi đó năm 2018 tăng 12,4%, ngược lại xuất khẩu của khối DN trong nước tăng mạnh 17,7%, cao hơn mức tăng năm 2018 tăng 15,4%. Trong xuất khẩu của khối FDI, xuất khầu dầu thô giảm 7,8% và xuất khẩu các hàng hóa khác tăng 4,4%.
 Khối FDI có mối liên hệ với việc tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp. Nguồn Tổng cục Hải Quan. 
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng thấp trong quý 4 cho thấy sự phụ thuộc vào một vài DN lớn FDI lớn như Samsung với sản phẩm điện thoại; Formosa với sản phẩm thép; lọc hóa dầu Nghi sơn với sản phẩm dầu mỏ tinh chế, mang đến nhiều rủi ro cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Sự sụt giảm của các DN này phần lớn đến từ nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan là do nhà đầu tư thay đổi chiến lược đầu tư, sản xuất. Việc hoạch định và dự báo kinh tế Việt nam vì vậy cũng trở nên phức tạp.
Nhận định của SSI, với điện thoại và sản phầm lọc hóa dầu, việc can thiệp chính sách sẽ ít hiệu quả. Nhưng với thép và sản xuất xe có động cơ có thể hỗ trợ bằng nhiều biện pháp. Ngoài dự án Formosa, năm 2020 dự án thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đi vào hoạt động nên rất cần các biện pháp phòng hộ với thép Trung Quốc hay xúc tiến thương mại với các nước ASEAN, đây là thị trường chính của thép xuất khẩu Việt nam. Giải ngân đầu tư công tăng tốc cũng sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ thép và các vật liệu xây dựng khác.