Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Hiệu quả thấp, thiếu ổn định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu chi tiết về số dư Quỹ Bình ổn giá (QBO) xăng, dầu tại các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối, tính đến hết năm 2013, vừa được Bộ Tài chính công bố.

Một lần nữa người dân và dư luận hoài nghi về tính minh bạch của quỹ này, liệu QBO xăng, dầu hoạt động có ổn không? Và liệu người dân có thực sự được hưởng lợi theo đúng mục tiêu của quỹ?…

“Méo” thị trường

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số dư QBO các DN xăng dầu đầu mối tính đến 31/12/2013 còn 169,219 tỷ đồng (tăng gần 100 tỷ đồng chỉ trong 20 ngày). Trước đó, theo kết quả ghi nhận trong ngày 10/12/2013, con số này chỉ là 72 tỷ đồng. Đây là một trong những lý do dẫn đến quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu (từ 380 đồng - 650 đồng/lít) của cơ quan điều hành ngày 18/12/2013 đẩy giá các mặt hàng này lên cao ở thời điểm gần Tết Nguyên đán.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số dư của quỹ khi chưa tăng giá thấp cho thấy, chỉ cần một động tác nhẹ từ phía cơ quan quản lý, tiền rót từ túi người dân sang túi DN một cách rất dễ dàng. Trước đó, vào thời điểm ngày 5/12/2013, Bộ Tài chính đã cho phép các DN kinh doanh xăng, dầu được tăng mức sử dụng QBO sớm hơn quy định 3 ngày để bù lỗ. Ước tính, mỗi tháng, Việt Nam tiêu thụ 1 triệu tấn xăng dầu (mỗi tấn tương đương 1.200 lít), mỗi ngày trung bình sẽ tiêu thụ khoảng 40 triệu lít xăng dầu. Với chỉ đạo mới, các DN được bù thêm tổng cộng 300 đồng/lít cả xăng và dầu diezel. Như vậy, tổng số tiền QBO bù cho giá xăng dầu mỗi ngày sẽ tăng thêm 12 tỷ đồng. Còn đem con số sử dụng xăng mỗi ngày nhân với số giá tăng thêm sẽ thấy Quỹ có thể tăng lên nhanh chóng đến mức nào. Hay như hồi tháng 3/2013, giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh nhưng Bộ Tài chính không có động thái giảm mức sử dụng QBO, hoặc giảm giá bán lẻ xăng, dầu, chính điều này đã giúp DN kinh doanh xăng, dầu lãi hàng chục tỷ đồng mỗi ngày.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, riêng trong quý IV, người dân đã đóng góp vào QBO giá xăng dầu 1.094.158 tỷ đồng khi mua xăng nhưng DN đã sử dụng hết 983,540 tỷ đồng với nhiều lần cho phép của liên bộ Công Thương - Tài chính với mức từ 100 - 900 đồng/lít xăng dầu.

Xem lại cơ chế điều hành giá

QBO giá xăng dầu đã từng được các chuyên gia kinh tế ví như khoản tiết kiệm của người dân. Tức là mỗi một lít xăng, người dân "gửi" cho DN kinh doanh xăng, dầu giữ 300 đồng/lít. Khi giá thế giới biến động mạnh, cơ quan quản lý có thể điều phối bằng cách lấy tiền từ Quỹ để bù vào khoản chênh lệch giá đó. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, quỹ này lại chịu nhiều chỉ trích hơn là khen ngợi, cả về cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng...

Theo TS Nguyễn Minh Phong, cơ chế hoạt động hiện hành của Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính trực tiếp, với thiên hướng mục tiêu thường ngược với xu hướng động thái thị trường thế giới. Đó là chưa kể, một QBO được xây dựng, hình thành từ tiền của người sử dụng xăng, dầu nằm trong giá cơ sở của giá xăng, dầu nên nếu giá xăng, dầu thế giới ít biến động, lượng tiền trong quỹ sẽ không ngừng tăng lên khi được bán ra. Khi chưa cần huy động vào mục đích bình ổn giá, nếu không được huy động cho nền kinh tế thì một lượng lớn tiền mặt nằm im một chỗ, không lưu thông sẽ gây thiệt hại lớn. "Cơ chế điều hành hiện nay có thể dẫn đến sự lạm dụng QBO xăng, dầu, dựa vào cơ chế điều hành bằng mệnh lệnh hành chính xin - cho cả về thời điểm cũng như mức trích lập và sử dụng quỹ. Chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng". Không chỉ dừng lại là cân nhắc xem lại cách sử dụng quỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã từng đề xuất nên bỏ hẳn QBO xăng, dầu.

Dù không cực đoan đòi xóa bỏ QBO xăng, dầu nhưng PGS. TS Ngô Trí Long băn khoăn:  "Bộ Tài chính vừa qua mới công khai cách trích nộp và sử dụng quỹ này trong điều hành giá mà chưa công khai nguồn quỹ bị âm ở nhiều DN, nhiều thời điểm… được tạm tính từ đâu, thu - chi như thế nào để bù đắp?". Khách quan mà nói, việc sử dụng vốn của quỹ giống như một lọ nước, đổ nước vào rồi rút nước ra thì biết nước ở nguồn nào. Các nguồn tiền trong tài chính DN hòa lẫn vào nhau, nguồn tiền nào trích từ nguồn nào..., việc quản lý rành mạch này là không dễ. Giải pháp thiết thực nhất theo ông Long là giảm độc quyền, quy định công khai, minh bạch, dễ kiểm soát và ít đầu mối.

 
Hiện nay, mỗi lít xăng, dầu được nhập khẩu về bán ra thị trường nội địa người dân phải gánh hơn 8.000 đồng do rất nhiều khoản thuế, phí. Việc thu thêm một khoản tiền vào giá bán xăng dầu để xây dựng QBO làm công cụ quản lý, điều hành lại đặt tại DN đầu mối là khó chấp nhận.

Chuyên gia kinh tế  Ngô Trí Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần