70 năm giải phóng Thủ đô

Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì sao chưa bỏ?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ bình ổn là công cụ hữu hiệu của Chính phủ đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc, hài hòa được lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh. Vì vậy, thời điểm này chưa thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được lập theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83 và Nghị định 95). Tức là quỹ này đã tồn tại trước thời điểm Luật giá 2012 được ban hành.

Thời điểm này chưa thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: Phạm Hùng
Thời điểm này chưa thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo bước đệm bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc.

Về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng cho rằng: Đất nước đang cần một nền kinh tế vĩ mô ổn định để phát triển bền vững nên việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết; đồng thời không triệt tiêu ý nghĩa của việc giảm thuế Bảo vệ môi trường.

Đáng lưu ý, hiện nay thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Khi giá xăng dầu trồi sụt theo diễn biến của thị trường thế giới, giá thấp, nhà điều hành có thể trích quỹ, đến khi giá tăng lên có thể chi sử dụng quỹ.

"Đây là cơ chế chúng ta đã duy trì lâu nay, tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay vẫn phải có Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát. Còn việc trích quỹ cao hay thấp đã có cơ quan điều hành liên ngành tính toán sao cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể" - ông Nguyễn Văn Phụng cho hay.

Nếu không có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao. Ảnh minh họa
Nếu không có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích: Khi Nhà nước điều hành giá xăng dầu vẫn phải giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu chứ chưa thể bỏ được vì khi giá thế giới biến động, nếu không có quỹ này giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao gây áp lực rất lớn cho lạm phát.

Với thị trường xăng dầu như ở Việt Nam hiện nay có lẽ trong thời gian trước mắt nên cân nhắc việc đã đến lúc cần bỏ quỹ này hay chưa? Bởi các quỹ ngoài ngân sách hiện nay cũng khá nhiều, có nhiều quỹ cũng đáng bỏ song trong thực tế Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa thể bỏ ngay vào lúc này.

“Dù đã tự lực sản xuất được xăng dầu để có thể cung ứng được khoảng 80% nhưng để bỏ được Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trước hết chúng ta phải chủ động, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu thì mới có thể an tâm trong vấn đề an toàn và an ninh năng lượng. Chỉ đến khi giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa thực sự, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ Quỹ này” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Cơ chế sử dụng quỹ phải công khai, minh bạch

Theo báo cáo của liên Bộ Công Thương – Tài chính, mặc dù Nhân dân còn nhiều ý kiến đa chiều, nhưng đa số ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhất trí về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá và đề nghị giữ quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Do đó, liên Bộ đã tham mưu Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và đưa ra các cơ chế để sử dụng công cụ quỹ này công khai, minh bạch hơn.

 

Chỉ khi nào giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa thực sự, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ quan quản lý nên tính tới dùng Quỹ này như nào cho hợp lý mới là quan trọng chứ không nên cân nhắc việc bỏ quỹ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Mới đây, trong văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi) cũng nêu rõ: Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của quỹ.

Điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với quỹ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu. Vì quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá. Từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tại Luật Giá hiện hành và dự thảo luật đều không quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và hiện nay Quỹ bình ổn giá đang được quy định tại nghị định. Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.

 

Do Quỹ bình ổn xăng dầu hiện vẫn được để tại các doanh nghiệp, vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ. Nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà