Trong vòng 2 tháng qua, giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp, chạm ngưỡng gần 25.000 đồng/lít, trong khi Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 7.400 tỉ đồng nhưng vẫn "quyết không chi". Theo ông, câu chuyện điều hành ở đây đã hợp lý?
- Quỹ bình ổn xăng dầu nhưng điều hành “không ổn” chút nào. Đặc biệt, quỹ này giao cho doanh nghiệp quản lý, họ sử dụng, hạch toán như thế nào rất ít người biết?
Do vậy, không thể nào để Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp. Bởi, tiền này là tiền của dân, doanh nghiệp quản lý có thể dùng số tiền này vào mục đích khác, như vậy không công bằng với người dân tham gia đóng góp vào Quỹ bình ổn xăng dầu.
Ngoài ra, một trong những điểm bất cập nữa là Quỹ bình ổn xăng dầu nằm ngoài ngân sách, không dùng ngân sách nhà nước, được doanh nghiệp trích lập và sử dụng nhưng mức trích lập, mức chi lại dựa trên quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công Thương. Tất cả những điều đó làm chậm thời gian khiến mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu Việt Nam không phù hợp với diễn biến tức khắc của thị trường thế giới.
Tôi cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu nhưng chưa hướng đến người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, nhẽ ra phải trích Quỹ bình ổn để chặn đà tăng của giá xăng dầu, nhưng cơ quan điều hành không làm điều đó, để giá xăng dầu chạm ngưỡng 25.000 đồng/lít.
Tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát.
Có thể hiểu cần phải bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, đúng không, thưa ông?
- Bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu là điều đúng đắn nhất để xăng dầu tiến tới thị trường. Quỹ này hoạt động không hiệu quả, cho nên phải có những giải pháp thay thế. Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu.
Các nước phát triển, họ dự trữ xăng dầu 3 tháng, 6 tháng, thậm chí 9 tháng. Đây là “phao cứu sinh” rất tốt để bình ổn thị trường xăng dầu. “Phao” này không phải nằm bất động mà hoạt động như một công ty quản lý vốn Nhà nước, thấp mua vào, cao bán ra. Lý thuyết của kinh tế thương mại là lưu thông mà không dự trữ coi như không lưu thông.
Vậy theo ông, lý do tại sao, cơ quan quản lý vẫn muốn "níu kéo" Quỹ bình ổn xăng dầu?
- Tôi nghĩ rằng, đây cũng là câu hỏi khá “thách đố”. Bản thân tôi thấy rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên sớm nhận ra vấn đề là không nên can thiệp quá sâu để kiểm soát và điều hành giá xăng dầu.
Giá bán lẻ xăng dầu nên để thị trường tự quyết định, Nhà nước chỉ giám sát chất lượng, để doanh nghiệp tự chủ, tự mua bán, tự chịu trách nhiệm, không có cơ chế xin cho, không độc quyền và không có lợi ích nhóm.
Theo ông, mức tăng giá xăng dầu trong thời gian vừa qua đã "quá sức chịu đựng" của người dân và doanh nghiệp?
- Giá xăng dầu chỉ dao động trong khoảng từ 19.000 – 22.000 đồng, mức giá này không vượt quá “sức chịu đựng” của người dân và doanh nghiệp. Còn khi giá xăng trên 22.000 đồng thì điều hành đã có vấn đề, phải tìm cách điều tiết. Nhưng tiếc rằng, Quỹ bình ổn còn rất nhiều tiền nhưng không chi sử dụng.
Sở dĩ có thời điểm giá xăng dầu lên mức hơn 30.000 đồng/lít là vì thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu và khí đốt tăng rất mạnh.
Ông nhận định như thế nào về giá xăng dầu trong thời gian tới?
Giá xăng dầu sẽ không có xuống mà duy trì ở mức tương đối cao, có thể không đến 100 USD/thùng, nhưng cũng dao động ở mức 80-90 USD/thùng. Chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá thành vận tải đường bộ, lên tới 35-40%, từ đó sẽ có tác động tới giá cả hàng hoá.
Biến động giá xăng dầu cũng ảnh hưởng nhiều tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các ngành tiêu thụ dầu mỏ lớn và từ đó tác động mạnh tới giá thành phẩm. Do vậy, bằng mọi cách phải kiểm soát đà tăng của giá xăng dầu.
- Xin cảm ơn ông!