Quy chế hoạt động Hội đồng thẩm định độc lập xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 23/2025/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định của Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Ngày 24/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Quy chế này quy định về nguyên tắc hoạt động, việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật (sau đây gọi là Hội đồng).
Bộ trưởng Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định độc lập
Về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng, Quy chế nêu rõ: Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết bằng phiếu, quyết định theo ý kiến đa số (trên 50% tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập Hội đồng); trường hợp ý kiến biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Hội đồng được sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng do cơ quan Thường trực của Hội đồng bố trí theo quy định của Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và văn bản hướng dẫn.
Hội đồng chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng.
Về việc thành lập Hội đồng, Quy chế quy định: Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15.
Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được giao chủ trì tham mưu việc thực hiện thẩm định. Thành viên Hội đồng là đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan có liên quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Căn cứ nội dung của dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mời đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm phù hợp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng thẩm định độc lập.
Thư ký Hội đồng là công chức của đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được giao chủ trì tham mưu việc thực hiện thẩm định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng và Cơ quan Thường trực của Hội đồng
Quy chế cũng nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng và Cơ quan Thường trực của Hội đồng, cụ thể:
Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định dự thảo nghị quyết của Chính phủ về xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật theo các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng: Chỉ đạo việc tổ chức thẩm định; chủ trì cuộc họp Hội đồng; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng trong quá trình hoạt động; ký Báo cáo thẩm định, Biên bản họp thẩm định.
Phó Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng trực tiếp chỉ đạo, điều phối các hoạt động của Hội đồng; thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp của Hội đồng, ký Biên bản cuộc họp của Hội đồng khi được ủy quyền; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của thành viên Hội đồng.
Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng: Nghiên cứu hồ sơ dự thảo nghị quyết, tham gia cuộc họp thẩm định, phát biểu và chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị quyết số 206/2025/QH15; biểu quyết bằng phiếu về việc dự thảo nghị quyết đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ và các nội dung khác theo yêu cầu của Hội đồng (nếu có). Trường hợp không thể tham gia cuộc họp thẩm định thì phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Hội đồng (qua cơ quan Thường trực là Bộ Tư pháp) trước khi cuộc họp thẩm định diễn ra. Ý kiến thẩm định phải thể hiện rõ dự thảo nghị quyết đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ. Ý kiến thẩm định có thể được gửi bằng hình thức điện tử; Thành viên Hội đồng được quyền bảo lưu ý kiến thẩm định nếu không đồng ý với kết luận của Hội đồng (nếu có).
Quy chế quy định Bộ Tư pháp là cơ quan Thường trực của Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng.
Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ dự thảo nghị quyết đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định cách thức tổ chức cuộc họp của Hội đồng: Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp của Hội đồng. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tham dự cuộc họp của Hội đồng và trình bày về nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; cung cấp, bổ sung thông tin, tài liệu có liên quan đến dự thảo nghị quyết.
Thành viên Hội đồng phát biểu ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15.
Báo cáo thẩm định của Hội đồng phải thể hiện rõ dự thảo nghị quyết đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ; việc tham gia ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan của Quốc hội là thành viên Hội đồng. Trường hợp báo cáo thẩm định kết luận dự thảo nghị quyết chỉ đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ nội dung, yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện. Báo cáo thẩm định được gửi đến Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ, đồng thời gửi đến các thành viên Hội đồng.
Trường hợp dự thảo nghị quyết chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo và gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Bộ Tư pháp để thực hiện việc thẩm định lại. Việc thẩm định lại được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 và quy định tại Quy chế này.
Quyết định 23/2025/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 14/7/2025 đến hết ngày 28/02/2027.

Thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 11/7/2025 về việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên thứ nhất về công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia lưu ý công tác nhân sự phải thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ đại diện hợp lý.

Danh sách Chủ tịch Hội đồng nhân dân 23 tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập
Sáng 30/6/2025, Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, TP, xã, phường, đặc khu được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của UBND các tỉnh, TP sau hợp nhất, sáp nhập. Tất cả các Nghị quyết đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Trân trọng giới thiệu danh sách 23 Chủ tịch HĐND các tỉnh, TP mới.