"Quỹ cứu trợ Eurozone cần nâng lên 1.000 tỷ euro"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần nâng quy mô nguồn ngân quỹ cứu trợ các nền kinh tế trong khối gặp khó khăn, lên ít nhất 1.000 tỷ euro (1.330 tỷ USD).

Theo OECD, Eurozone cần mở rộng hơn nữa ngân quỹ cứu trợ ở mức độ hiệu quả để có thể sẵn sàng trước các yêu cầu hỗ trợ tài chính trong tương lai, cũng như để khôi phục lòng tin thị trường.

Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone sẽ nhóm họp trong hai ngày 30-31/3 tại Copenhaghen (Đan Mạch) để quyết định có tăng quy mô cơ chế giải cứu nợ hay không, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại gia tăng về sức khỏe tài chính của Tây Ban Nha.

OECD cho rằng, nguồn tài chính hỗ trợ cho các nền kinh tế Eurozone dễ bị tổn thương có thể vượt mức 1.000 tỷ euro trong vòng hai năm tới, song song cùng các khoản đóng góp bổ sung cần thiết để tái cấp vốn các ngân hàng.

Hơn hết, quy mô và hình thức của quỹ này sẽ phụ thuộc vào niềm tin thị trường sẽ trở lại như thế nào, cũng như sự phát triển kinh tế và tài chính.

Về phần mình, Tổng thư ký OECD Angel Gurria cảnh báo rằng, những cam kết ngân sách hiện tại cho quỹ cứu trợ của Eurozone là chưa đủ để khôi phục lòng tin thị trường. Do đó, nếu "bức tường lửa" này được củng cố và nâng cao ngân quỹ hơn nữa thì các chính phủ Eurozone sẽ có đủ "không gian nghỉ" cần thiết để tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bản thân Eurozone cũng đang cân nhắc về khả năng có nên kết hợp Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF - được sử dụng để giải cứu tạm thời Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha) với Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (ESM) hay không.

Hiện Tây Ban Nha cần nguồn ngân sách khoảng 370 tỷ euro trong vòng ba năm tới để trang trải các khoản nợ của mình, trong khi con số tương ứng của Italia lên tới 750 tỷ euro./.