Hội thảo tổ chức với mục đích xin ý kiến, thảo luận, trao đổi để làm rõ hơn các nội dung liên quan đến Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô. Đây là những nội dung quan trọng, mới, quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cần sớm ban hành Luật đầu tư mạo hiểm
Với hơn 13 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính – đầu tư, Giám đốc Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo BestB Phạm Anh Cường khẳng định: Quỹ đầu tư mạo hiểm là một thực thể rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong bất kỳ một nền kinh tế nào từ cấp vi mô tới vĩ mô, từ các nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp, tới thành phố và quốc gia. Chính bởi lẽ đó, sự quan tâm về cơ chế và thể chế để các Quỹ đầu tư mạo hiểm có cơ hội phát triển là điều rất cần thiết của bất kỳ thành phố hay quốc gia nào.
Chia sẻ về cách thức huy động nguồn vốn, ông Cường cho rằng, để nguồn vốn được dồi dào, cần “xã hội hoá nguồn vốn”, nghĩa là cần huy động từ trong dân. Về phía cơ quan Nhà nước, cần sớm ban hành Luật đầu tư mạo hiểm để phổ cập cho mọi công dân Việt Nam biết và hiểu được qua các buổi tập huấn dành cho các hà chính sách, nhà quản lý, nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp. Nhà nước nên tạo hành lang pháp lý tốt nhất để hỗ trợ các Quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế phát triển tại Thủ đô nói riêng và từng thành phố của Việt Nam nói chung.
Cũng đánh giá cao vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc BK Fund, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, cần thiết thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Hà Nội và cần đảm bảo nguyên tắc không phát sinh đầu mối hành chính, sự nghiệp; hoạt động theo quy luật của thị trường.
Góp ý về chủ trương thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước, chuyên viên pháp lý cấp cao Quỹ ThinkZone Ventures Thẩm Trung Hiếu cho biết, dù mới là cơ chế thử nghiệm, Quỹ đầu tư mạo hiểm đã được bổ sung vào dự thảo Luật Thủ đô, hiện tại là bước đi chung với xu thế thế giới. Tuy nhiên, các phương án để Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân cũng là một nội dung mới và cần được thảo luận.
Các Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước khi thực hiện đầu tư đối ứng theo phương thức này có thể tận dụng được vai trò chuyên môn của đối tác tư nhân như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc Nhà đầu tư thiên thần trong việc thẩm định và lựa chọn công ty mục tiêu phù hợp. Từ đó giảm gánh nặng về trách nhiệm chuyên môn cũng như việc tổ chức vận hành thẩm định, lựa chọn, đầu tư và quản lý đơn vị nhận đầu tư cho Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước.
Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho một số lĩnh vực mới
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới, ông Thạch Lê Anh sáng lập Quỹ VSV cho biết, tại các nước có thị trường về đầu tư mạo hiểm rất phát triển như ở Hàn Quốc có vốn đầu tư mạo hiểm chiếm 0,22% (2022) GDP quốc gia; đầu tư mạo hiểm tại Mỹ chiếm 0,74% (2022) của GDP; trong khi tại Israel là 1,71% (2021). Với tỉ trọng rất nhỏ tiền đầu tư mạo hiểm nhưng thường tạo ra gấp hàng trăm lần so với số đầu tư ban đầu.
Tại Việt Nam, giải pháp cần làm là đề xuất một kế hoạch để Chính phủ sử dụng nguồn lực Nhà nước đầu tư trực tiếp cho Startup với cơ chế lựa chọn Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân vận hành và đồng đầu tư. Cách đối vốn đã được nhiều quốc gia thực hiện như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Israel… bởi đây là phương cách giảm thiểu rủi ro cho các Quỹ của nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng tiếp tục tài trợ cho một số hoạt động trọng điểm của hệ sinh thái khởi nghiệp với lộ trình giảm dần hỗ trợ từ các nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành có các cơ chế chính sách lên quan đến doanh nghiệp Startup, liên quan đến Quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần như: thuế, luật đầu tư mạo hiểm, các cơ chế cho nhà đầu tư mạo hiểm, các cơ chế bảo vệ họ khi đầu tư mạo hiểm, các cơ chế thoái vốn cho đầu tư mạo hiểm.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia góp ý, nên thành lập Quỹ công hoặc tư và có cơ chế thoái vốn. Hà Nội nên dành quỹ đất cho trung tâm khởi nghiệp và khu công nghiệp và các tỉnh liên kết được liên kết với nhau.
Đồng ý Quỹ hợp tác công tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng, đề nghị Quỹ phải có vốn 100.000 tỷ đồng, vốn phải lớn. Vốn này, 30% là từ ngân sách của Thành phố, 70% phát hành chứng chỉ quỹ và bán cho các thành phần kinh tế, trong đó có các ngân hàng, "bắt tay" cùng Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thành phố cần xem lại Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương (thực hiện từ năm 2018) và nên duy trì song song Quỹ đầu tư và quỹ này để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Quỹ đầu tư mạo hiểm đã được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô và được các đại biểu thảo luận, nhất trí cao. Tuy nhiên, Quỹ đầu tư mạo hiểm đang nằm trong lĩnh vực thử nghiệm, giải pháp mới, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, do vậy Quỹ là loại hình có thời hạn, có kiểm soát. Qua ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như doanh nghiệp tại hội thảo cho thấy, việc phải điều chỉnh lại mô hình của quỹ đầu tư mạo hiểm, kèm theo đó là điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế điều hành.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, đây là nhiệm vụ khó và thách thức, không thể nói hết vấn đề cụ thể vào Luật Thủ đô. Nên nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề, bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh quy phạm pháp luật Luật Thủ đô, UBND Thành phố còn phải chuẩn bị các văn bản hướng dẫn. Trên tinh thần đó, đề nghị sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối, tiếp tục cơ chế đặt hàng với tổ chức, cá nhân từng nhiệm vụ cụ thể, rõ đầu bài, rõ đầu ra.