Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội vì mục tiêu an sinh xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vị trí là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, văn hóa, tài chính… của cả nước, Hà Nội cần được đầu tư đồng bộ về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị cũng như các công trình an sinh xã hội.

Trong đó, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội đóng vai trò là một công cụ tài chính quan trọng giúp TP tập trung nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng, bao gồm cả khả năng huy động vốn và điều tiết sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Không có nợ xấu

Với chức năng hoạt động như một tổ chức tài chính Nhà nước của TP, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội thực thiện 4 chức năng nhiệm vụ cơ bản gồm: Ủy thác cho vay, cấp phát vốn đầu tư từ nguồn ngân sách; Đầu tư trực tiếp và cho vay đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như các dự án phục vụ dân sinh trên địa bàn Hà Nội; Huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại buổi làm việc về hợp tác đầu tư PPP giữa UBND TP Hà Nội với đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Ảnh: Ngọc Mừng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại buổi làm việc về hợp tác đầu tư PPP giữa UBND TP Hà Nội với đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Ảnh: Ngọc Mừng

Đối với hoạt động cho vay đầu tư, trước đây mới chỉ tham gia được lĩnh vực đầu tư nhà tái định cư. Đến năm 2011, UBND TP đã chỉ đạo giao một số loại hình dự án an sinh xã hội - xã hội hóa được thực hiện cơ chế vay ưu đãi từ vốn điều lệ của Quỹ Đầu tư thuộc các lĩnh vực: Môi trường (giết mổ gia súc gia cầm, xử lý môi trường, rác, nước thải...); hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đô thị (đường giao thông, bãi đỗ xe, hạ ngầm cáp điện, nước...); nông nghiệp, nông thôn mới (điện, nước sạch nông thôn...); lĩnh vực nhà ở (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp), Y tế, giáo dục (bệnh viện, trường học...). Sau 3 năm, doanh số cho vay đã nâng lên gấp 8 lần so với những năm trước đây. Và đến nay đã mở rộng tham gia được tất cả các lĩnh vực TP có chỉ đạo.

Tuy nhiên, hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ cũng gặp không ít khó khăn, do các dự án trên thuộc các công trình an sinh xã hội, chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP, không đặt mục tiêu kinh doanh (không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp). Đặc điểm chung của các dự án này là vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, huy động vốn khó khăn… Trong khi đó, năng lực về vốn để tham gia dự án của các chủ đầu tư rất hạn chế, không đủ năng lực tài chính (nguồn vốn đối ứng, tài sản đảm bảo). Bên cạnh đó, nhiệm vụ tín dụng cho vay mới được giao, cán bộ thẩm tra hầu hết chưa có kinh nghiệm về tín dụng. Để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của TP, Quỹ Đầu tư đã đã có nhiều biện pháp xây dựng bộ máy, quy trình thẩm tra cho vay và quản trị rủi ro, chú trọng công tác đào tạo từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả thẩm tra và rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, hạn chế được rủi ro và đảm bảo việc thu hồi đầy đủ và kịp thời nợ vay, bảo toàn vốn đã được giao, không để thất thoát vốn TP giao. Đến nay, Quỹ không có nợ xấu.

Tối ưu hóa nguồn vốn và hiệu quả đầu tư

Trong khả năng nguồn vốn điều lệ được TP giao 2000 tỷ đồng, Quỹ đã xây dựng kế hoạch sử dụng vốn hàng năm, để phát huy hiệu quả và sử dụng tối đa, đóng góp vào các mục tiêu của TP như đầu tư cho nhà tái định cư, các dự án cấp nước, cấp điện, xử lý rác, cải tạo chung cư, nhà thu nhập thấp, nhà ở công nhân.....

Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của TP, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã xây dựng các phương thức huy động vốn báo cáo TP chỉ đạo thực hiện như: Huy động, hợp vốn với các tổ chức tài chính để cho vay, huy động thông qua hình thức đầu tư PPP và các hình thức huy động vốn khác.Hiện nay, Quỹ đang triển khai huy động vốn từ Ngân hàng thế giới để cho vay các  dự án an sinh xã hội thực hiện bằng phương thức xã hội hóa, phù hợp với điều kiện vay vốn của WB.

Đặc biệt, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được coi là một kênh huy động vốn hiệu quả. Đây là mô hình hợp tác mà Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các công trình, dịch vụ công cộng, theo đó sẽ tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, đồng thời phát huy ưu thế về vốn, trình độ quản lý và công nghệ của các đối tác, đặc biệt là những đối tác nước ngoài. Từ năm 2010, Quỹ Đầu tư đã chủ động làm việc với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để kêu gọi tham gia hỗ trợ vốn và đầu tư cho TP Hà Nội thông qua phương thức đầu tư PPP. Hiện nay, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 6 và Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng và mạng cấp nước đang được thí điểm thực hiện đầu tư theo hình thức này, kinh phí chuẩn bị dự án sẽ do JBIC hỗ trợ toàn bộ. Dự kiến, năm 2014 sẽ thực hiện xong Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ phê duyệt thực hiện. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, dự án được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn của Ngân hàng JBIC Nhật Bản và một phần vốn của ngân sách.

Ngoài ra, để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển của Thủ đô, trong bối cảnh khó khăn chung nguồn vốn ngân sách không thể đáp ứng được. Đối với những dự án dịch vụ công thuộc danh mục các dự án cần thiết phải đầu tư. Quỹ đang báo cáo TP để chỉ đạo kêu gọi các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư tham gia phối hợp với TP để xây dựng các cơ chế, phương thức tổ chức thực hiện báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện.

Hiện nay, sau 5 năm thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 10/6/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Với mục tiêu ngày càng hoàn thiện, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập và tạo điều kiện cho mô hình các Quỹ ĐTPT địa phương hoạt động có hiệu quả hơn, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong định hướng phát triển, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội xây dựng kế hoạch tập trung nhiệm vụ huy động vốn để đầu tư và cho vay vào các lĩnh vực dự án TP chỉ đạo, đóng góp chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của TP. Quỹ Đầu tư hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để kêu gọi hợp tác đầu tư. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ để đáp ứng những nhiệm vụ mới và phức tạp. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thường xuyên kịp thời tham mưu, đề xuất với TP để chỉ đạo thực hiện, phấn đấu cho mục tiêu: Huy động và sử dụng vốn cho TP ngày một hiệu quả hơn.