Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung không thực tiễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/5, thảo luận tại tại tổ về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các ĐB...

Kinhtedothi - Chiều 27/5, thảo luận tại tại tổ về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các ĐB đồng tình quan điểm cho rằng việc sửa đổi luật lần này có ý nghĩa quan trọng góp phần đấu tranh tội phạm, ảnh hưởng đến các mặt của sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Bộ Luật này tổng số 486 điều, tăng 140 điều so với Bộ Luật hiện hành, sửa đổi 294 điều, bổ sung mới 172 điều, bãi bỏ 26 điều, chỉ giữ lại 20 điều. Như vậy, so với Bộ Luật hiện hành thì Bộ Luật lần này gần như thay mới hoàn toàn, do đó nên đổi thành Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015.

 
Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung không thực tiễn - Ảnh 1

Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu thảo luận tại tổ. Ảnh: VOV

 
Về quy định liên quan đến quyền của bị can, bị cáo, đại biểu (ĐB) Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (đoàn Hà Nội) cho rằng: Về quyền của người bị bắt, bị tạm giam, Dự Luật đưa ra 2 phương án nhưng đều chưa rõ. ĐB đề nghị cần làm rõ hơn theo hướng bị can bị cáo khi bị bắt có quyền im lặng, không khai ra những gì bất lợi cho mình để chờ đến khi có luật sư. Tất cả cơ quan điều tra khi tiếp cận người bị bắt cần thông báo cho người bị bắt quyền được im lặng của họ. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam có quyền được từ chối trình bày ý kiến hoặc đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình. ĐB Thảo cũng tán thành bổ sung quyền của bị can, bị cáo được yêu cầu cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tư pháp.

Quanh vấn đề nay, ĐB Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Thực tế ở Hà Nội, 58-60% là bắt phạm tội quả tang, còn lại án truy xét, một năm trên 5.000 vụ thì chỉ có hơn 100 vụ là trọng án, án chưa rõ gọi là án truy xét. Còn lại thành phần là các đối tượng sau khi bắt, truy xét mở rộng gọi là án truy xét mở rộng. Cho nên việc quy định như Dự án Bộ Luật là không phù hợp, nên quy định theo hướng người bị bắt, bị tạm giữ, bị can bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình và không bị ép buộc nhận mình có tội, như thế phù hợp hơn, còn quy định quyền im lặng không đúng với thực tế và không phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Vấn đề bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng chưa khá thi. ĐB Chung lý giải: Trong một số vụ án cơ quan điều tra thấy bị cáo hay thay đổi lời khai hoặc cần phải đảm bảo ghi hình, ghi âm toàn bộ thì vẫn thực hiện. Thủ tục ghi âm, ghi hình rất chặt chẽ, không phải cứ đặt máy ghi bí mật mà phải lập biên bản ghi rõ cuộc hỏi cung hôm nay được tiến hành ghi hình, ghi âm bằng những thiết bị gì, sau đó phải bật lại cho bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giam, tạm giữ nghe để xác nhận xem cuộc ghi âm đó có đúng không để họ ký vào, rồi lập biên bản, niêm phong lại. Sau này tài liệu ghi âm, ghi hình đó mới có giá trị về mặt pháp lý.

Hiện nay cả nước bắt giữ gần 100.000 bị can, bị cáo, trang bị hệ thống ghi âm ghi hình này bao nhiêu cho đủ, kho nào để chứa khối lượng hồ sơ khổng lồ đó. Bởi ít nhất trong hồ sơ 1 vụ án, từ lúc bị bắt cho đến lúc hoàn thành quá trình điều tra để khởi tố phải có 8 bản cung, 8 bản ghi lời khai, nhiều thì vài chục bản. Rồi toàn bộ kinh phí cho việc này ở đâu ra. Chưa kể không phải điều tra viên nào cũng có thể thao tác ghi âm, ghi hình được.

“Tôi thấy quy định này là không thực tiễn, tốn kém và khó khả thi. Chỉ nên quy định ở góc độ những vụ án phức tạp mà trong quá trình điều tra, bản thân cơ quan điều tra cũng phải thực hiện ghi âm, ghi hình theo đúng quy định pháp luật. Sau này nếu bị can, bị cáo có vấn đề gì thì mới mở niêm phong ghi âm ghi hình ra”, ĐB Chung đề nghị.

Về cấp giấy chứng nhận người bào chữa, các ĐB đánh giá đây là vấn đề rất lớn. Hiện luật sư muốn tham gia bào chữa thì phải có giấy chứng nhận bào chữa, nay trong Dự án Bộ Luật quy định luật sư chỉ cần đăng ký bào chữa, song phải cân nhắc thận trọng để tránh việc quá mở, dẫn đến lạm dụng, tràn lan. Các ĐB cũng thống nhất quan điểm khi đưa ra sửa một Bộ Luật thì phải khắc phục được những khúc mắc của luật cũ mà trong quá trình thực hiện vướng mắc, không phù hợp, gây khó khăn. Những cái gì đã có hiệu quả, vẫn phù hợp thì nên giữ lại. Và phải đảm bảo được yêu cầu đấu tranh phòng ngừa chống tội phạm tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan điều tra, cùng với đảm bảo được quyền của mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp 2013 đã quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần