Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định bắt buộc thắt dây an toàn khi đi ô tô: Phải làm quyết liệt và toàn diện

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thắt dây an toàn khi đi ô tô cũng giống như việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông. Quy định trên cần thực hiện một cách quyết liệt và toàn diện để mang tới hiệu quả cao.

Chế tài cấp bách và kịp thời
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 24/CT-TTg về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách đảm bảo trật tự, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ. Một trong những giải pháp đó là bổ sung quy định bắt buộc trang bị dây an toàn đối với tất cả các ghế ngồi trên ô tô chở người, có lộ trình áp dụng đối với phương tiện đang lưu hành. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự, ATGT đối với hoạt động vận tải bằng ô tô. Đối với người dân cần kiên quyết từ chối sử dụng dịch vụ vận tải của đơn vị kinh doanh không tuân thủ các quy định về đảm bảo trật tự, ATGT. Đặc biệt, người dân khi đi ô tô cần chú ý thắt dây an toàn để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đưa ra yêu cầu chủ phương tiện cũng như người ngồi trên ô tô cần phải thắt dây an toàn khi xe đang chạy. Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/8/2016 đã đưa ra rất nhiều chế tài xử phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi ngồi trên ô tô. Mức phạt đối với hành vi này từ 100.000 – 200.000 đồng đối với mỗi trường hợp vi phạm.
 Hướng dẫn lái xe thắt dây an toàn khi tham gia giao thông. Ảnh: Quý Nguyễn
Gần đây nhất, trong Công điện số 1308/CĐ-TTg ngày 13/8/2018 về bảo đảm trật tự, ATGT, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới 2018 - 2019, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra yêu cầu phải thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tình trạng người ngồi trên xe ô tô, thậm chí cả lái xe khi tham gia giao thông không thắt dây an toàn vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân chính vẫn là ý thức tự bảo vệ mình của lái xe và người đi xe chưa cao và do tâm lý ngại, cho rằng bất tiện, vướng víu.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, thắt dây an toàn khi ngồi ở ghế trước giảm được 45 - 50% nguy cơ tử vong và từ 20 - 45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng; giảm được từ 25 - 75% nguy cơ tử vong và bị thương ở vị trí ghế sau, khi TNGT xảy ra.

Phải làm quyết liệt như mũ bảo hiểm

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông đô thị khẳng định, quy định bắt buộc trang bị dây an toàn và thắt dây an toàn khi đi ô tô nhất thiết phải thực hiện. “Việc thắt dây an toàn khi đi ô tô cũng như việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Đó đều là những biện pháp bảo vệ tính mạng rất hiệu quả. Chỉ có điều lâu nay quy định này chưa được áp dụng phổ biến thành ra nhiều người chưa quen” - ông Thủy phân tích.

Chuyên gia này cho rằng, hiện trạng giao thông ở Việt Nam đã và đang thay đổi rất lớn trong những năm gần đây. Đặc biệt là sự phát triển của hạ tầng giao thông khiến tốc độ di chuyển của ô tô ngày càng được nâng lên, kèm theo đó nguy cơ thương vong khi tai nạn xảy ra cũng lớn hơn. Vì thế, các biện pháp có tính chất bảo vệ người tham gia giao thông phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. “Hiện nay, Việt Nam đã có 700 – 800km đường cao tốc. Tốc độ ô tô chạy trên những tuyến đường này cũng rất cao. Do đó yêu cầu các phương tiện ô tô chở người phải trang bị dây an toàn và người ngồi trên xe phải thắt dây an toàn để bảo vệ tính mạng của mình là quy định rất cần thiết và kịp thời vào lúc này” - ông Thủy nói, đồng thời cho rằng, để quy định trên được thực hiện hiệu quả nhất cần có lộ trình và những phương án phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để quy định này đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm. Thậm chí có thể yêu cầu các chủ xe ô tô chở khách lắp thêm hệ thống báo hiệu khi có trường hợp hành khách ngồi trên xe không thắt dây an toàn, bởi hiện nay hệ thống này đã rất phổ biến.

Về lộ trình thực hiện, nên áp dụng giống như quy định với việc đội mũ bảo hiểm trước đây. Tức là thời gian đầu không xử phạt ngay mà tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, sau đó sẽ áp dụng theo mức phạt. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần, có thể tăng gấp đôi mức phạt hoặc kèm theo những chế tài bổ sung để đảm bảo tính răn đe. “Nếu áp dụng theo lộ trình trên sẽ giúp người dân có thời gian làm quen, xây dựng thói quen thắt dây an toàn khi đi ô tô, từ đó hình thành tính tự giác” - TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.