Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định mới: Cán bộ sách nhiễu, "vòi" tiền người vi phạm sẽ bị buộc thôi việc

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức; tiếp tục thí điểm cho người bán dâm hoàn lương vay vốn làm ăn; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ cở giáo dục phổ thông; xử lý nặng hành vi sách nhiễu, vòi tiền người vi phạm... là những quy định mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2020.

Nhiều quy định mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2020.
Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức
Thông tư 27/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.
Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư này là quy định không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức hay vừa làm vừa học… trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ.
Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Như vậy, từ ngày 1/3/2020, trên văn bằng sẽ chỉ còn các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…
Tiếp tục thí điểm cho người bán dâm hoàn lương vay vốn làm ăn
Theo Quyết định số 02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy… tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020. Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được sẽ xem xét quyết định việc mở rộng trên phạm vi cả nước.
Như vậy, trong năm 2020, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy… vẫn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Số tiền vay được dùng cho việc mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác…
Muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt
Tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã có những quy định chi tiết về một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/3/2020.
Cụ thể:
- Phải biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam: Có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam;
- Phải đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
- Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trong trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện như:
- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho Việt Nam và việc nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Việt Nam;
- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước đó;
- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng…
Quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ cở giáo dục phổ thông
Nội dung này được quy định tại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ cở giáo dục phổ thông (có hiệu lực từ ngày 15/3/2020), cụ thể như sau:
- Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn.
Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.
- Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Trường hợp sách giáo khoa không được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại.
Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì Hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT.
Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên tham dự.
- Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
- Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Xử lý nặng hành vi sách nhiễu, vòi tiền người vi phạm
Nghị định số 19/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Theo đó, Điều 22 quy định, các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm:
Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
Không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật.
Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật.
Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra.
Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra.
Đặc biệt, Điều 29 Nghị định nêu rõ, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, công chức, viên chức sẽ bị buộc thôi việc nếu có một trong các hành vi vi phạm:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi bị xử lý vi phạm hành chính;
Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra; đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra.
Ngoài buộc thôi việc, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cán bộ, công chức, viên chức còn có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức.