Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện: Không nên cứng nhắc

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/11, thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận với quy định về hành vi cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Quy định về nồng độ cồn trong máu cần phù hợp

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho rằng, việc tách nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật là hết sức cần thiết. Góp ý vào các hành vi bị cấm tại Điều 8, đại biểu Đặng Bích Ngọc quan tâm đến khoản 1, Điều 8 quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất theo quy định của dự thảo Luật.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình)
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình)

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) cho biết, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng.

Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học… Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.

Tham gia ý kiến về quy định liên quan đến điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu có nồng độ cồn, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) cho rằng: Không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong luật cũ, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.

Đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh)
Đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh)

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) nêu quan điểm: Một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc khi tham gia giao thông có được có nồng độ cồn hay không?. Chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, trong khi rượu chỉ là một trong số những tác nhân. Và rượu khi uống nhiều quá mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, uống ít thì có lẽ cũng chưa có ảnh hưởng. Vì thế, chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa năng lực hành vi với tác nhân, việc dùng hay không dùng rượu.

Đưa nội dung về giao thông đường bộ vào giảng dạy từ bậc mầm non

Góp ý vào một số nội dung khác của dự án Luật, đại biểu Bích Ngọc cho biết, trước thực trạng hiện nay học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông diễn ra ngày càng phổ biến, đề nghị dự thảo Luật tiếp tục rà soát, xem xét các quy định liên quan để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện, giải quyết được những vấn đề đặt ra hiện nay.

Đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Quốc hội cho phép đưa nội dung về giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy cho các bậc mầm non, tiểu học, từ đó giúp các em sớm hình thành ý thức và chấp hành tốt quy định về trật tự an toàn giao thông.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 24/11
Quang cảnh phiên làm việc chiều 24/11

Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) đề nghị Quốc hội giao cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của các ngành các cơ quan liên quan trong đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh. Đó cũng chính là giải pháp bảo đảm căn cơ, bền vững và lâu dài giảm tình trạng tai nạn giao thông.

Còn đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) cho biết, thời gian qua nhiều tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến xe đưa đón học sinh. Do đó việc dự thảo Luật bổ sung quy định về xe đưa đón học sinh tại Điều 46 là rất nhân văn, thể hiện chủ trương bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị xem xét cơ sơ pháp lý, cơ sở thực tiễn khi quy định về niên hạn xe đưa đón học sinh không quá 15 năm, lý giải vì sao là 15 năm cần đối chiếu với quy chuẩn kĩ thuật về điều kiện xe tham gia giao thông và đối với từng loại xe.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An)
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An)

Đại biểu cũng cho rằng chưa có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về việc quy định trên xe đưa đón học sinh từ 24 học sinh trở lên thì phải bố trí trên xe phải có 2 người. Đề nghị đánh giá cho phù hợp quy định này, đồng thời, đại biểu đề xuất nghiên cứu thêm xe đưa đón học sinh cần có màu sắc riêng, hoặc lắp đặt công cụ nhận diện.

Về điều kiện của người lái xe đưa đón học sinh, đại biểu đề nghị chuyển quy định này từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự án Luật này. Đại biểu đề nghị cân nhắc về số năm kinh nghiệm lại xe của người lái xe đưa đón học sinh, cần quy định phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm.