Về xác định trách nhiệm của đơn vị kế toán, Bộ Tài chính cho rằng, các quy định cụ thể về thuê hoặc bố trí người làm kế toán, kế toán trưởng cho các đơn vị thuộc lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và lĩnh vực hoạt động sự nghiệp sẽ được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định thuộc từng lĩnh vực.
Đồng thời theo quy định hiện hành của Luật Kế toán và xu thế phát triển hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán thì các đơn vị sự nghiệp được bố trí hoặc thuê người làm kế toán, kế toán trưởng. Vì vậy nếu quy định cứng vị trí kế toán, kế toán trưởng bắt buộc là công chức, viên chức sẽ không phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tiếp đến là quy định loại hình doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ kế toán, có một số ý kiến cho rằng, trong dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán chỉ bao gồm 3 loại hình (Công ty TNHH hai thành viên trở lên; Công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân). Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp có quy định cả loại hình công ty TNHH một thành viên, là một loại hình doanh nghiệp tư nhân nhưng không được hoạt động dịch vụ kế toán là không hợp lý. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, do điều kiện hiện nay ở Việt Nam vẫn cho phép doanh nghiệp tồn tại dưới hình thức công ty TNHH, tuy nhiên TNHH phải có điều kiện để tránh rủi ro (ví dụ phải có 2 thành viên là kế toán viên hành nghề, thành viên là tổ chức chỉ được góp vốn theo tỷ lệ nhất định do Chính phủ quy định...). Nếu 1 thành viên (doanh nghiệp 1 chủ) thì đề nghị thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân - phải chịu trách nhiệm vô hạn, để tránh rủi ro và nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp về dịch vụ cung cấp. Theo thông lệ quốc tế, không có loại hình doanh nghiệp kế toán là công ty cổ phần. Quy định hiện hành (Điều 41 Nghị định 129/2004/NĐ-CP) cũng chỉ cho phép doanh nghiệp dịch vụ kế toán hoạt động dưới 3 hình thức là công ty TNHH, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân...
Ảnh minh họa. |