Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành T.Ư: Thêm sức mạnh cho “thanh bảo kiếm”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều điểm mới trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đã được thể hiện trong Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành T.Ư vừa ban hành. Như nhiều ý kiến nhận định, cùng với những quy định đã có, Quy định số 22 sẽ tiếp tục góp phần tăng thêm sức mạnh cho “thanh gươm” và “lá chắn” trong công cuộc phòng chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái.

Công chức bộ phận một cửa UBND huyện Thanh Trì giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ảnh: Linh Nguyễn
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thực thi chính là Ủy ban Kiểm tra các cấp được ví là "thanh bảo kiếm và lá chắn của Đảng", trên tinh thần lấy phòng ngừa, xây là chính, thời gian qua đã đi vào những lĩnh vực “nóng”, nhạy cảm, kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, chấn chỉnh, ngăn chặn hành vi vi phạm. Đồng thời, làm rõ nhiều vụ việc, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức Đảng, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ cương vị cao. Có thể nói rằng, mỗi kết luận được Ủy ban Kiểm tra T.Ư ban ra đều chỉ đích danh từng tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có sai phạm và bị kỷ luật, bất kể là ai, về hưu hay đương chức, chức vụ lớn hay nhỏ, diện T.Ư hay địa phương quản lý.

Mọi sai phạm từ lâu hay vừa xảy ra, bất kể cấp nào, ngành nghề lĩnh vực nào, khi “thanh bảo kiếm” soi tới, mọi việc đều sẽ tỏ tường. Chính từ kết quả xử lý hiệu quả và dứt khoát như thế, Nhân dân luôn rất mong chờ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được tăng cường; có thêm các hình thức xử lý nghiêm khắc cũng làm cá nhân, tổ chức vi phạm tâm phục, khẩu phục.

So với Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII, Quy định 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII có nhiều điểm mới. Trong đó, nêu rõ, mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ. Đồng thời, nêu rõ nguyên tắc, kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đặc biệt, qua kiểm tra, giám sát, sẽ chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài, lan rộng.

Trong các quy định về thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên vi phạm pháp luật, một số quy định cũng được nêu chi tiết hơn. Đáng chú ý, đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn…

Có thể nói, đây là những quy định nghiêm minh, để thúc đẩy hơn hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, đáp ứng kỳ vọng của người dân. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả và phát huy hết năng lực “thanh bảo kiếm”, vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa, nhất là ở Ủy ban Kiểm tra cấp cơ sở. Bởi hiện tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn diễn ra, nhiều vụ việc chỉ sáng tỏ khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc. Do đó, đúng như tinh thần của Quy định mới đã nêu, công tác kiểm tra phải chú ý ngay khâu phát hiện sai phạm. Khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng kiểm tra, tránh tình trạng "trông chờ, nghe ngóng", "nặng trên, nhẹ dưới"; làm quyết liệt, triệt để; xử lý phải công tâm; kỷ luật phải nghiêm minh, thuyết phục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần