Dự thảo quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại

Quy định từ phòng lạnh, đánh đố, làm khó nhà bán lẻ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số quy định trong dự thảo Thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương được đánh giá là "trên trời", đánh đố doanh nghiệp.

Đi ngược quy luật cung - cầu

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Những quy định trong dự thảo đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối từ cộng đồng mạng, chuyên gia và tổ chức kinh tế.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ, nhiều nội dung trong dự thảo khá chung chung, không phù hợp thực tế. Đơn cử, quy định cửa hàng tiện lợi "chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân". Vậy, nhân viên cửa hàng có được lấy giúp hoặc lựa đồ cho khách hay không? Đối với những khu vực đông dân như khu phố cổ quận Hoàn Kiếm quy định bán kính phục vụ 500m là phù hợp, nhưng với các huyện ngoại thành thì phải hơn 1km.

Đồng tình với góp ý này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, Luật DN đã chỉ rõ DN được tự do làm những gì mà pháp luật không cấm. Trong khi những quy định về cửa hàng tiện lợi nêu trong dự thảo đã vô hình chung khiến DN không được triển khai mô hình cửa hàng tiện lợi.

“Quy định tại Luật DN năm 2005 nêu rõ, thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh. Quy định này được tiếp tục duy trì trong Luật Đầu tư năm 2014 và 2020. Còn theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, thông tư không được ban hành thủ tục hành chính, trừ trường hợp được ủy quyền trong luật. Trường hợp này, thông tư không được ủy quyền. Vậy ban soạn thảo lấy căn cứ nào để đưa ra các quy định “đánh đố” DN như vậy?” - ông Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề.

Góp ý vào dự thảo Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đối với các loại sản phẩm, dịch vụ khác nhau, việc phân loại, gọi tên các hình thức kinh doanh do DN tự xác định nhằm quảng bá và giúp người tiêu dùng nhận biết thương hiệu, Nhà nước chỉ nên can thiệp khi người bán nhập nhèm thương hiệu để hút khách mua sắm.

Thực tế cho thấy việc một cửa hàng tạp hóa nhỏ treo biển “siêu thị” cũng không giúp người kinh doanh bán thêm được hàng hoặc bán giá cao hơn và người tiêu dùng hoàn toàn không hề bị lừa hay hiểu nhầm trong trường hợp này. Do đó, việc Nhà nước yêu cầu phải gọi tên cho đúng là không cần thiết.

Không chỉ chuyên gia kinh tế mà người tiêu dùng trên mạng xã hội cũng bày tỏ sự không đồng tình với một số quy định của dự thảo. Nick name Be Bi Bo trên mạng xã hội Facebook nêu ý kiến, dự thảo có nhiều quy định bất hợp lý làm tăng chi phí không cần thiết khiến giá cả hàng hóa tăng.

“Dự thảo yêu cầu tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet… đều phải có nơi trông giữ xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Tuy nhiên, những cửa hàng mặt phố đông đúc, vỉa hè hẹp thì các cửa hàng tự cân đối, nêu bắt phải có chỗ giữ xe cho khách hàng sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, khiến người bán phải tăng giá hàng hóa để bù đắp, như vậy chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt” - nick name Be Bi Bo nêu rõ.

Bộ Công Thương nói gì?

Trả lời những ý kiến phản biện dự thảo, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, quy định "Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m" tại dự thảo Thông tư (ở Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi) không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C.

Tiêu chí đó nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Ngoài ra, thẩm quyền và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đối với lĩnh vực thương mại thực hiện theo Nghị định 98 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Bộ Công Thương đề xuất siêu thị hạng I phải có diện tích kinh doanh từ 3.500m2 trở lên, kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng từ 20.000 tên hàng trở lên. Siêu thị chuyên doanh có diện tích kinh doanh từ 1.000m2 trở lên và chỉ kinh doanh 1 ngành hàng chuyên biệt với 2.000 tên hàng trở lên... Siêu thị mini phải có diện tích kinh doanh từ 80m2 trở lên, danh mục hàng hóa từ 500 tên hàng trở lên... Trung tâm thương mại hạng I phải có diện tích thấp nhất 50.000m2, hạng II phải từ 30.000m2 trở lên, hạng III từ 10.000m2 trở lên... Riêng cửa hàng tiện lợi như phải có diện tích từ 30 - 200m2, đối tượng phục vụ là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m, bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tại quầy thu ngân.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân về dự thảo Thông tư, hiện đã nhận 69 ý kiến góp ý, trong đó có 5 bộ/ngành, 5 UBND cấp tỉnh, 11 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 48 Sở Công Thương các tỉnh/thành.

Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành có chung ý kiến, từ thời điểm năm 2004 (ban hành Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM về Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại) đến nay, đã có nhiều quy định pháp luật mới được ban hành thay thế quy định cũ nên các nội dung quy định trong Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM không phù hợp với thực tiễn các loại hình hoạt động thương mại hiện đại mới xuất hiện như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tiện tích, cửa hàng tự chọn, cửa hàng kinh doanh tổng hợp…

Việc cơ quan quản lý Nhà nước chưa ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về trung tâm thương mại và siêu thị dẫn đến khó thu hút vốn đầu tư và gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng. Vì vậy các Sở Công Thương đã đề nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM cho phù hợp với các Luật, Nghị định mới ban hành và thực tiễn hiện nay.

Ý kiến phản biện của chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng, tổ chức kinh tế cho thấy mặc dù việc sửa đổi Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại là cần thiết, nhưng một số nội dung trong dự thảo đang quy định chung chung, không phù hợp và khó khả thi có khả năng gây trở ngại cho các DN kinh doanh loại hình này.