Kinhtedothi - Theo quy định của Luật Hộ tịch có hiệu lực ngày 1/1/2016 thì người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau thì phải có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Việc này có ý kiến phản ánh đang gây nhiều khó khăn cho người dân.
Công dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Tuấn Phong
Trước đây, theo quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thì người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau phải có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Theo Nghị định 123/CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có hiệu lực từ 1/1/2016, trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho UBND cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương. Như vậy, thay vì cho công dân được cam đoan thì nay họ phải “có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình”. Việc này gây nhiều khó khăn cho người dân, bởi rất nhiều người trước khi kết hôn đã từng cư trú tại nhiều nơi khác nhau, để trở về từng đó nơi lấy xác nhận gây tốn kém thời gian, chi phí. Thậm chí, nhiều nơi chính quyền không xác nhận do sợ trách nhiệm hoặc do chính bản thân người yêu cầu xác nhận không đăng ký tạm trú nên chính quyền không nắm được thông tin. Trưởng phòng Hộ tịch, Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Thị Hằng cho biết, quy định như hiện hành khiến người dân phải đi về những địa phương đã đăng ký thường trú. Mà ở nhiều nơi vì nhiều lý do, người dân không thể lấy được xác nhận, gây bức xúc. Bà Hằng dẫn chứng: Một công dân sống ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội việc xác nhận qua từng đó nơi cư trú đã là việc làm phức tạp, mất rất nhiều thời gian, chưa kể nếu công dân đó sống ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, thậm chí ở nước ngoài. Thêm vào đó, hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã liên tục thay đổi, hệ thống sổ sách lại lưu trữ thủ công nên việc xác nhận là hết sức khó khăn. Vì vậy, để công dân cam đoan như trước đây sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Trong trường hợp họ cam đoan không đúng thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), Thông tư 15 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/NĐ-CP: Đối với việc đăng ký hộ tịch phải gửi văn bản đề nghị xác minh theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư này, nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan của mình. Ông Khanh cho rằng, quy định này đã tháo gỡ cho dân rồi, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp mang tính “tình thế”.