Quy định xử phạt này dù chưa có hiệu lực nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía các đơn vị vận tải, bởi họ cho rằng, đây là việc làm sai luật và không hợp lý. Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội trao đổi xung quanh vấn đề này. Ông đánh giá thế nào về quy định bắt buộc phải treo khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” trên xe khách, nếu không treo sẽ bị phạt? - Theo quan điểm của tôi, đây là một quy định không hợp lý, đứng ngoài luật. Bởi, đối với các khẩu hiệu tuyên truyền, người ta chỉ xử phạt khi những khẩu hiệu đó chống đối lại chế độ, chống đối lại cộng đồng, vi phạm đạo đức truyền thống…, hay nói cách khác, những khẩu hiệu đó vi phạm các quy định về tuyên truyền do Bộ TT&TT ban hành chứ không phải là trách nhiệm của Bộ GTVT. Thế nhưng, không hiểu vì sao các nhà làm luật lại đưa quy định này vào xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong khi đó, cá nhân tôi cũng từng được tham gia hội thảo góp ý xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng tôi cũng không thấy đề cập đến việc không treo khẩu hiệu thì bị phạt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc treo khẩu hiệu trên sẽ nâng cao ý thức của người lái xe? - Để đảm bảo cho tính mạng con người, trước hết về mặt tâm lý mà nói, người lái xe tự thân họ đã có ý thức để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Bởi, chỉ cần sơ sẩy một chút là họ sẽ mất mạng, không mất mạng cũng phải ngồi tù, tài sản tiêu tan, thậm chí là mất nghiệp, nên chắc chắn khi điều khiển phương tiện, lái xe sẽ nghĩ đến vấn đề này đầu tiên chứ không cần phải chờ đến câu khẩu hiệu này. Thêm vào đó, Nghị định đã quy định khẩu hiệu phải dán trước kính, nhưng dán thế nào, quay về phía trước hay phía sau lại chưa được làm rõ? Nếu quay về phía trước là cho người khác xem, quay về phía sau là cho lái xe xem. Nếu dán cho lái xe xem thì nó phân tán tầm nhìn của lái xe. Đáng lẽ lái xe phải nhìn và quan sát đằng trước để phát hiện chướng ngại vật thì bây giờ nhìn vào khẩu hiệu ấy làm lái xe mất tập trung, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Vậy, theo ông, để kiềm chế TNGT cần phải có những biện pháp gì? - Theo tôi, muốn kéo giảm số vụ TNGT thì phải đi sâu vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý vận tải, chứ không thể chỉ trông chờ vào khẩu hiệu tuyên truyền được. Bởi, như đã nói, DN, người lái xe nào chẳng muốn bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Tuy nhiên, TNGT xảy ra luôn có rất nhiều nguyên nhân. Đơn cử như vụ tai nạn ở đèo Prenn (Lâm Đồng) vừa qua, để xảy ra vụ tai nạn này không chỉ có trách nhiệm của lái xe mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi, Hiệp hội Vận tải đã kiến nghị các đơn vị có chức năng hạn chế tốc độ ở những khu vực núi cao đèo sâu, nhưng các cơ quan chức năng có tiếp thu đâu. Hay vụ TNGT xảy ra ở Bình Thuận, đường quốc lộ vừa nâng cấp mở rộng mà không làm dải phân cách giữa thì va chạm là điều sớm muộn gì cũng xảy ra. Do đó, để giảm thiểu TNGT, các đơn vị vận tải cần tăng cường giáo dục đạo đức và nghề nghiệp của người lái xe. Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cần giám sát chặt chẽ quy trình đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm định phương tiện… Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu từng địa phương nếu để xảy ra TNGT, đặc biệt là các vụ tai nạn có nguyên nhân xuất phát từ hạ tầng giao thông. Xin cảm ơn ông!