Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Người bảo dễ, kẻ nói khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đa số chuyên gia du lịch và DN đều ủng hộ chủ trương thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, song vẫn còn những ý kiến băn khoăn xung quanh cách thức huy động và quản lý quỹ này.

Tăng nguồn lực cho du lịch 

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa rồi, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ VHTT&DL về một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho du lịch Việt Nam, trong đó có việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (VTF). Theo đề xuất của Bộ VHTT&DL, VTF sẽ có kinh phí từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập. Cụ thể, trong 2 năm đầu, nguồn thu chủ yếu trích từ tiền lưu trú mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức 10.000 - 20.000 đồng/khách/đêm tại khách sạn từ 3 sao trở lên. Từ năm thứ 3, sẽ áp dụng đối với tất cả khách sử dụng dịch vụ lưu trú và tất cả các loại hình cơ sở lưu trú, bao gồm cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Bên cạnh đó, quỹ còn có nguồn thu từ đóng góp của DN, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.
Du khách tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm. 	Ảnh: Công Hùng
Du khách tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Việc hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được xem là một trong ba giải pháp (miễn visa, quỹ phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực) tạo đà cho du lịch phát triển trong thời gian tới. Theo kế hoạch, quỹ sẽ được sử dụng cho các hoạt động quảng bá xúc tiến, mở rộng thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm; bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách tại các điểm khu du lịch quốc gia... 

Thực tế, nguồn kinh phí dành cho công tác xúc tiến du lịch Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm, quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 86 triệu USD/năm, Singapore là 100 triệu USD/năm, Malaysia là 130 triệu USD/năm). Nguồn kinh phí thấp đã làm hạn chế khả năng và hiệu quả của các hoạt động xúc tiến quảng bá cũng như tái đầu tư cho công tác tôn tạo, cải thiện môi trường tại các địa điểm du lịch. Kinh phí ít ỏi còn kéo theo việc ngành du lịch nước ta không có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm để cung cấp thông tin cho du khách. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp cận các thị trường trọng điểm và thu hút khách.

Trong bối cảnh đó, việc hình thành quỹ riêng để hỗ trợ phát triển du lịch được đánh giá là cần thiết và nhận được sự ủng hộ của hầu hết các chuyên gia du lịch và các DN. Tuy nhiên, cách thức huy động quỹ và quản lý, sử dụng quỹ này sao cho hiệu quả lại là một vấn đề gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Lấn cấn những băn khoăn

Các chuyên gia du lịch cho rằng, việc huy động quỹ trước mắt theo cách thức trích từ tiền lưu trú mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức 10.000 - 20.000 đồng/khách/đêm tại khách sạn từ 3 sao trở lên là hoàn toàn khả thi và hợp lý. Bởi lẽ, số tiền trích từ mỗi du khách/mỗi đêm chỉ chưa đầy 1 USD, quá nhỏ so với chi phí cả một chuyến đi của một du khách nên sẽ không gây phiền hà gì nếu chủ trương này được giải thích cặn kẽ và công khai từ trước với khách hàng. Còn các khách sạn chỉ có nhiệm vụ “thu hộ” ngành du lịch, không bị ảnh hưởng đến doanh thu.

Tuy nhiên, về phía DN, chủ yếu là lãnh đạo các khách sạn - đối tượng chịu tác động trực tiếp từ quy định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch lại cho rằng, việc trích từ tiền lưu trú mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức 10.000 - 20.000 đồng/khách/đêm tại khách sạn từ 3 sao trở lên chưa hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, việc trước mắt chỉ thu phí của khách quốc tế ở tại khách sạn 3 sao sẽ tạo ra sự “phân biệt đối xử” giữa khách quốc tế và nội địa, giữa hình thức kinh doanh khách sạn 3 sao trở lên và những đơn vị lữ hành, kinh doanh lưu trú khác. Hơn thế nữa, có DN cho rằng, trong bối cảnh thu hút khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) ngày càng khó khăn như hiện nay, sẽ có nhiều DN lựa chọn giải pháp “cắn răng” chịu thiệt để đóng khoản phí này chứ không muốn mất uy tín và mất khách chỉ vì 1 USD. 

Trong khi đó, có nhiều DN đề xuất Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch nên huy động quỹ bằng cách điều chỉnh bằng thuế hoặc phí nào đó phù hợp để tạo ra sự công bằng giữa khách quốc tế và nội địa, đồng thời không tạo ra sự phân biệt đối xử quá rõ giữa các loại hình kinh doanh khác nhau. Đặc biệt, cần xem xét lại mức thu phí đối với các danh lam thắng cảnh mang tính chất tự nhiên để vừa có thể tôn tạo cảnh quan, vừa có nguồn kinh phí đóng góp cho xúc tiến quảng bá.

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách thức thu Quỹ, tuy nhiên điều khiến hầu hết các DN băn khoăn hơn cả là Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sẽ vận hành như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, công khai và hiệu quả khi mà từ trước đến nay công tác xúc tiến quảng bá của ngành du lịch Việt chưa bao giờ được đánh giá cao. “Khi mà chúng ta có nguồn thu rồi, nhưng việc sử dụng không hiệu quả thì sẽ dẫn đến sự lãng phí công sức của DN, của du khách và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của du lịch Việt Nam” – đại diện một DN du lịch trăn trở.
PGS. TS Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam: “Việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là chúng ta đang làm một điều mới, chưa có tiền lệ, nên khó tránh khỏi sự phản ứng. Ví dụ, bình thường các khách sạn thu của khách 300 USD/đêm, nhưng giờ có quỹ này thì sẽ phải thu thành 301 USD. Một USD đó sẽ đưa về cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Vấn đề là làm sao người ta thuyết phục được khách để thu được 301 USD mà du khách vẫn cảm thấy thoải mái. Tôi cho rằng, nếu việc thu quỹ được tiến hành minh bạch, rõ ràng, du khách được thông báo về quy định này trước khi đến Việt Nam thì người ta sẽ vui vẻ chấp thuận. DN cũng không thiệt hại gì, chỉ là “thu hộ” ngành du lịch. Chính sách minh bạch rõ ràng thì sẽ nhận được sự ủng hộ, không có gì khó khăn!

Tôi cho rằng, việc triển khai Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hoàn toàn khả thi, nhưng hoạt động có hiệu quả hay không thì còn phụ thuộc vào cách quản lý và tính minh bạch của từng bước. Khi chúng ta đã thấy rằng điều đó tốt và cần thiết thì nên triển khai, nhưng cần triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới. Cần có công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và phải có hướng dẫn cụ thể cho người thi hành” 

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Hanoitourist: “Thống kê gần đây nhất của Tổng cục Du lịch, một khách quốc tế lưu trú ở Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 1.114 USD, con số này quá lớn để chúng ta trích lại một vài USD cho công tác xúc tiến. Điều đó là hoàn toàn khả thi và có thể làm được, có nước còn trích lại 6,5 USD. Nếu chỉ trích 1 USD/khách/đêm thôi thì hàng năm chúng ta cũng có tới 7 - 8 triệu USD để làm công tác xúc tiến “ra tấm ra món”. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là liên quan đến tài chính thì cần phải có sự tháo gỡ của Chính phủ chứ không phải là ngành du lịch. Ngành du lịch chỉ tư vấn, tham mưu và thực hiện chính sách khi được Chính phủ phê duyệt. Công tác xúc tiến tại chỗ cần phải tiến hành thường xuyên, quanh năm chứ không phải thi thoảng làm một đợt. Hơn thế nữa, cần có văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại nước ngoài, mỗi thị trường chúng ta đang muốn cạnh tranh cần phải có vài ba văn phòng. Hiện chúng ta chỉ có một văn phòng tại Nhật Bản nhưng do Hiệp hội Du lịch Việt Nam đầu tư, không thể quy mô và hiệu quả như của Nhà nước. Công tác xúc tiến du lịch của chúng ta đã kiểm điểm nhiều rồi, nhưng chưa giải quyết được vì thiếu kinh phí. Nếu lập được Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch thì hy vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết”.

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Thăng Long GTC“Về mặt chủ trương thì DN chúng tôi hoàn toàn ủng hộ có một Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, tuy nhiên chúng ta cần nghiên cứu cách huy động nguồn lực cho quỹ đó và sử dụng nguồn quỹ này để đảm bảo sự hiệu quả công bằng và minh bạch. Quy định đó theo tôi bất hợp lý trong bối cảnh hiện nay, vì nó sẽ tạo ra sự khác biệt giữa khách quốc tế và nội địa, giữa hình thức kinh doanh khách sạn 3 sao trở lên và những đơn vị lữ hành, kinh doanh lưu trú khác. Tại sao chúng ta không nghĩ cách khác để tăng thêm nguồn thu từ những hoạt động khác, hoặc tăng cường các dịch vụ cung cấp cho khách hàng và từ đó Chính phủ có thể thu thuế được. Chúng ta đều biết, để tăng thêm được một đồng, thì Chính phủ sẽ có thể thu được 22% từ giá trị gia tăng đó. Điều đó có thể tiến hành được thì cao hơn rất nhiều so với việc chúng ta thu 1 USD/khách/đêm.

Nếu là quy định bắt buộc thì đương nhiên chúng tôi phải “cắn răng” cắt lợi nhuận của mình để nộp khoản phí này để giữ khách. Bởi lẽ ngoài lượng khách lẻ, chúng tôi chủ yếu ký kết hợp đồng đón đoàn khách với các đối tác nước ngoài trước cả năm trời về giá cả và chính sách tour, không thể thay đổi một cách chóng vánh được. Tôi cho rằng nên duy trì quỹ này trong một khoảng thời gian nhất định, không nên kéo dài quá bởi thực tế mỗi DN và khách du lịch cũng đã đóng góp thông qua các khoản thuế của Nhà nước rồi. Khi mà Quỹ có nguồn thu rồi thì cũng cần xem xét cách sử dụng sao cho hiệu quả, nếu không sẽ dẫn đến sự lãng phí công sức của DN, của du khách và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của du lịch Việt Nam”.