Hoàn thành giai đoạn 1 quy hoạch báo chí
Cụ thể, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 về cơ bản đúng tiến độ, đúng quy định, có kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn 2, giai đoạn thúc đẩy phát triển báo chí cách mạng.
Đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử, đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành: tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Chỉ còn Báo Tuổi trẻ vẫn đang trực thuộc Thành đoàn TTP Hồ Chí Minh. Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn trình bày Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 |
Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ đã cấp phép chặt chẽ, tôn chỉ mục đích của các tạp chí rõ ràng, tập trung thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành và đăng tải các nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện chính sách về lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Đối với khối phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình) đã hoàn thành việc sắp xếp. Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện xong việc sắp xếp các kênh truyền hình khu vực của các Trung tâm Truyền hình khu vực của Đài, hình thành 02 kênh truyền hình quốc gia VTV8 và VTV9. Thực hiện sắp xếp 03 đơn vị hoạt động truyền hình của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, Bộ Công thương và Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Mỗi Đài PTTH địa phương có 01 kênh phát thanh thời sự chính trị tổng hợp, 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu (gọi tắt là kênh thiết yếu) của địa phương.
Riêng Hà Nội và TP HCM, mặc dù trong Quy hoạch nêu mỗi đài có tối đa 02 kênh phát thanh, 02 kênh truyền hình thiết yếu, tuy nhiên, đến thời điểm này, Đài Truyền hình TP HCM và Đài PTTH Hà Nội vẫn chỉ duy trì mỗi đài có 01 kênh truyền hình thiết yếu. Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM (VOH) và Đài PTTH Hà Nội vẫn chỉ có 01 kênh phát thanh thời sự - chính trị tổng hợp.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân định hướng, cùng xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Do 6 cơ quan này có mô hình tổ chức, cơ chế tài chính đặc thù khác nhau, nên khi xây dựng mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện có những cách tiếp cận khác nhau.
Bộ TT&TT đã làm việc, trao đổi và có văn bản gửi 6 cơ quan nêu các nội dung gợi mở, hướng dẫn trong xây dựng đề án nhằm định hướng để các cơ quan bám sát mục tiêu, xác định rõ nội hàm chủ lực, thế mạnh đặc thù riêng, tránh chồng chéo, gây lãng phí.
Về việc rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương rà soát điều kiện hoạt động báo chí, trong đó có điều kiện về người đứng đầu cơ quan báo chí. Qua đó, Bộ đã xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho hơn 130 cơ quan báo chí, trong đó có một số cơ quan báo chí được cấp lại giấy phép cùng với cấp phép thực hiện thêm loại hình điện tử. Có một số trường hợp tạp chí đã hết thời hạn của giấy phép hoạt động báo chí nhưng chưa được xem xét cấp phép lại vì quá trình xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan báo chí cho thấy nhiều vấn đề không đảm bảo đủ điều kiện có thể cấp phép hoạt động tiếp tục.
Đáng chú ý, trong quá trình rà soát, Bộ TT&TT đã đánh giá, đề xuất và thống nhất ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp tổ chức làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đề nghị Liên hiệp Hội rà soát, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của các Hội, Viện trực thuộc; có ý kiến đối với đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động báo chí của các Viện; xây dựng Quy chế phối hợp trong chỉ đạo, quản lý để các tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đăng tải các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, tránh tình tình sử dụng giấy phép tạp chí khoa học để hoạt động như cơ quan báo.
Xử lý báo hóa tạp chí
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, để xử lý dứt điểm tình trạng báo hóa tạp chí, Bộ TT&TT đã ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san.
Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó đã bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới mà Luật Báo chí quy định, tăng tính răn đe. Đồng thời, mở rộng thẩm quyền cho Thanh tra Sở TT&TT các tỉnh, thành phố Trung ương xử phạt vi phạm hành chính đối với cả các cơ quan báo chí trực thuộc trung ương góp phần tăng hiệu quả ngăn ngừa vi phạm trong hoạt động báo chí.
Cần nhìn nhận trên thực tế, một số tạp chí được cấp phép hoạt động tạp chí khoa học nhưng thực tế sử dụng giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo để hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền như: Cấp giấy giới thiệu, sử dụng thẻ nhà báo để đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cung cấp tin tức về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đề nghị cung cấp toàn bộ tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin...
Có tạp chí chỉ thực hiện loại hình in, số lượng phát hành ít nhưng hoạt động thu thập thông tin kiểu trên thường xuyên lấy cớ là nghiên cứu khoa học, không phân biệt hoạt động tác nghiệp báo chí và hoạt động nghiên cứu khoa học.
Trong 03 năm qua, riêng Cục Báo chí, xử phạt vi phạm hành chính 18 tạp chí với tổng số tiền hơn 666 triệu đồng. Trong đó: Thu hồi giấy phép hoạt động 01 tạp chí của Trung tâm thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do không thực hiện quy hoạch báo chí; Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với 02 tạp chí (01 tạp chí của Viện thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, trong thời gian tới Bộ sẽ tiến hành đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí 2016, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Báo chí cho phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, tương lai của truyền thông và kinh tế báo chí - truyền thông hiện nay, để bao quát được các xu thế truyền thông mới và các yêu cầu mới của công tác quản lý báo chí - truyền thông.
Tăng cường rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật và giấy phép hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí sau thực hiện sắp xếp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho báo chí phát triển; rà soát cấp lại giấy phép hoạt động báo chí theo nội dung Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đặc biệt đối với các tạp chí trực thuộc các tổ chức hội để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên ngành.
Tăng cường phối hợp, trao đổi nghiệp vụ, thúc đẩy Sở TT&TT thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc giám sát, xử lý các vi phạm của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên.