Tham dự có các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh là đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ và các chuyên gia là ủy viên phản biện.
Về phía TP Hà Nội tham dự phiên họp có Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh và các đồng chí Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND TP, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.
Quy hoạch Thủ đô cần có cách tiếp cận mới, tư duy mới
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch thành phố Hà Nội được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện..). Đặc biệt chúng ta có Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Đây là căn cứ, là cơ sở để TP Hà Nội xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn thông qua quy hoạch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn vừa qua bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết. Đáng quan tâm là vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSH. Năm 2022, GRDP Hà Nội chiếm 42,2% vùng ĐBSH; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 chỉ đạt 6,27% đứng thứ 9/11 trong ĐBSH.
Bên cạnh đó, Thành phố còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh ĐBSH, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam còn chưa đồng bộ và chưa phát triển đúng mức.
Đặc biệt, quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học, việc giãn dân khỏi nội đô là không khả thi, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân.
“Muốn phát triển vững mạnh, thành phố Hà Nội cần xác định rõ những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội. Đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước” – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô
Trình bày báo cáo tóm tắt về quá trình tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, công tác tổ chức triển khai lập quy hoạch được tiến hành khoa học, khẩn trương, nghiêm túc. UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt cả 2 quy hoạch là Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; thành lập các Tiểu Ban chỉ đạo lập Quy hoạch thực hiện nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương, khoa học, nghiêm túc.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Quy hoạch Thủ đô có nội dung lớn, phức tạp, nhiều nội dung tích hợp, đòi hỏi phải có phương pháp triển khai bài bản, khoa học và kỹ lưỡng nên Thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch, được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, BCH Đảng bộ Thành phố thông qua.
Cơ quan lập Quy hoạch đã tổ chức lựa chọn Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô là các cơ quan nghiên cứu, trường đại học hàng đầu trong cả nước ở nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó trường Đại học kinh tế quốc dân là đơn vị đứng đầu liên danh.
Thành phố cũng đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm, trao đổi, thống nhất các nội dung với các tỉnh, thành phố và cơ quan tư vấn lập Quy hoạch Vùng ĐBSH để cập nhật các nội dung hợp tác vùng vào Quy hoạch Thủ đô, đảm bảo tính thứ bậc trong quy hoạch theo quy định, nhất là việc khớp nối hạ tầng giao thông; đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành lân cận, các sở, ban, ngành, quận, huyện thị xã và cộng dồng dân cư.
Đặc biệt, Thành phố đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô. Qua đó đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị khoa học và thực tiễn cao của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị đồng hành trên địa bàn, cộng đồng dân cư gợi ý đối với các nội dung lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng, phát triển Thủ đô nói chung.
“Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu lập là 1 trong 3 nội dung quan trọng mà Thành phố tập trung quyết liệt trong năm 2023 (cùng với Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đến nay, các dự thảo đều đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định nhằm triển khai thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị với tầm nhìn dài hạn và khát vọng phát triển trong tương lai, thể hiện “ước mơ xa, nghĩ lớn, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt” của Thủ đô” – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ.
Để Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có chất lượng cao nhất
Để giúp thành phố Hà Nội có bản quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, các thành viên, ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Trong đó tập trung vào các yếu tố chính như: quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch; việc xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó; định hướng tổ chức không gian; phát triển hạ tầng kỹ thuật; giải pháp về phát triển văn hóa – xã hội; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch…
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, TS Cao Viết Sinh góp ý, đơn vị tư vấn cần đánh giá được đúng vị trí của Hà Nội so với các tỉnh thành trên cả nước. Từ đó mới có thể xác định được mục tiêu phát triển một cách hợp lý đến năm 2030, năm 2045. Trong quy hoạch xác định dịch vụ, du lịch là ngành mũi nhọn, tuy nhiên các sản phẩm du lịch điểm nhấn của Thành phố lại chưa có. Quy hoạch cần xác định lấy công nghiệp công nghệ cao là đột phá, là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội. Trong đó cần mở rộng các khu công nghiệp để thu hút các ngành chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Đặc biệt, Hà Nội muốn phát triển nhanh cần quan tâm đến chuyển đổi số một cách toàn diện, đổi mới mô hình quản trị.
Về phương án tổ chức không gian, TS Cao Viết Sinh cho rằng quy hoạch cần làm rõ trục động lực và trục không gian phát triển. Đối với giải pháp huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch, cần có giải pháp huy động nguồn lực tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Đóng góp ý kiến về yếu tố hạ tầng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, GS.TS Lã Ngọc Khuê cho rằng, bản Quy hoạch Thủ đô phải đưa ra giải pháp khắc phục bằng được các điểm nghẽn. Dứt khoát trong nhiệm kỳ này phải giải quyết được những bức xúc về hạ tầng như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường không khí, thiếu nước sạch… để Hà Nội thực sự là điểm đến, để yêu và là nơi đáng sống.
Vị chuyên gia nêu, trong bản quy hoạch đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển, tuy nhiên khuyến nghị Hà Nội cần ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông trong đó cần có đột phá về các tuyến đường sắt đô thị. Tạo lập đô thị theo mô hình TOD dựa theo mạng lưới đường sắt đô thị.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội GS.TS Lê Quân lưu ý, quy hoạch cần tạo không gian phát triển nhằm phát huy đầu tư công và dẫn dắt phát triển khối tư nhân. Quy hoạch phải lượng hóa được không gian phát triển, trong đó không chỉ là phát triển bất động sản mà phải xác định không gian phát triển các không gian mới để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch cần quan tâm ưu tiên đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên những trục lớn để thu hút đầu tư, hạ tầng về công nghệ, môi trường…
Đặc biệt, cần có chiến lược đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cho các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống và không gian các công trình văn hóa mới nhằm thu hút du lịch.
“Điều quan trọng nhất, Thành phố cần ban hành khung chiến lược hành động triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó nhân mạnh về các giải pháp đột phá phát triển hạ tầng” - GS.TS Lê Quân nêu ý kiến.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT GS.TS Đào Xuân Học góp ý, trách nhiệm của Thủ đô là phải dẫn dắt và định hướng phát triển của đất nước về các mặt, nhưng quan trọng nhất là văn hoá. Cụ thể và cốt lõi nhất, đó là nhân cách của từng con người Thủ đô – nhân cách của người Tràng An. Nếu chúng ta không nâng tầm nhân cách con người, thì chưa xứng đáng với một thủ đô văn hiến và đất nước chúng ta khó có thể trở thành một đất nước công nghiệp và phát triển. “Thủ đô Hà Nội có thể không đi đầu trong một số lĩnh vực, nhưng văn hoá thì phải là định hướng và đi đầu, là đích mà các vùng miền hướng tới” - GS.TS Đào Xuân Học khẳng định.
Bổ sung để hoàn thiện tốt nhất bản Quy hoạch Thủ đô
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự cảm ơn những ý kiến tham gia góp ý sâu sắc và hết sức tâm huyết của các thành viên Hội đồng thẩm định, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia, các nhà khoa học đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Thành phố xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại Hội nghị và ngay sau đây sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành của Thành phố khẩn trương hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch Thủ đô để trình T.Ư theo quy định” – Bí thư Thành ủy cho hay .
Đồng thời khẳng định với sự nỗ lực của liên danh tư vấn, sự vào cuộc của các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã và cả hệ thống chính trị trên địa bàn Thành phố, sự quan tâm của các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đến nay Hà Nội đã cơ bản hoàn thành hồ sơ quy hoạch với báo cáo tổng thể trên 1.200 trang (với đầy đủ bảng, biểu và hệ thống bản đồ theo quy định).
Bí thư Thành ủy cho biết, các ý kiến đều đánh giá hồ sơ Quy hoạch Thủ đô được lập công phu, khoa học, nghiêm túc; tích hợp các quy hoạch cấp quốc gia và có các định hướng phát triển vùng phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt về các xu hướng mới, các chủ trương của Đảng; cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo vệ môi trường. Các ý kiến cơ bản thống nhất với các đề xuất về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong dự thảo quy hoạch.
Mặc dù vậy, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá, hồ sơ quy hoạch vẫn còn có những điểm cần được tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật để nâng cao hơn nữa về mặt chất lượng.
“Sau buổi họp Hội đồng thẩm định, Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, nghiên cứu các góp ý của các Thành viên Hội đồng, ý kiến các chuyên gia, tổ chức, rà soát, chắt lọc, bổ sung để hoàn thiện tốt nhất bản Quy hoạch Thủ đô” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, để hoàn thành bản quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, Thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử.
Cùng đó, tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có các giải pháp phù hợp để phát triển.
Sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, phát triển kinh tế đô thị, giúp kinh tế Hà Nội có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới, đồng thời nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, gia tăng thu nhập cho người dân đô thị.
Đặc biệt là phương án phát triển trục sông Hồng - không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô.
Bên cạnh đó, xác định việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng. Nhấn mạnh hơn quan điểm phát triển hài hòa đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn.
Đặc biệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các giải pháp để thực hiện Quy hoạch. Trong đó đặc biệt là các giải pháp khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển; kiên định quan điểm văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô. Xác định giáo dục, khoa học công nghệ, nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, tính chiến lược trong xây dựng và phát triển Thủ đô; đồng thời xây dựng thể chế đồng bộ, quản trị hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.
“Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, với tinh thần cầu thị, Thành phố Hà Nội luôn lắng nghe và mong các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham góp nhiều ý tưởng, các giải pháp khả thi và đồng hành cùng với Thành phố, góp phần để Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”, xanh, thông minh, là thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ.
Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng đã thông báo kết quả bỏ phiếu đánh giá của thành viên Hội đông thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, số phiếu đồng ý thông qua hồ sơ Quy hoạch Thủ đô trình thẩm định là 31/31 thành viên (đạt 100%), gồm số phiếu đồng ý thông qua nhưng phải chỉnh sửa bổ sung là 27/31 thành viên, số phiếu đồng ý thông qua nhưng không cần chỉnh sửa bổ sung là 4/31 (đạt 12,9%).