Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Từ ý tưởng tốt đến triển khai hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khoảng 7 năm, vấn đề quy hoạch đô thị ven sông Hồng lại tiếp tục trở thành đề tài quan tâm của dư luận.

Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Từ ý tưởng tốt đến triển khai hiệu quả
Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Từ ý tưởng tốt đến triển khai hiệu quả
Mới đây nhất là chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cho nghiên cứu xây dựng đồ án quy hoạch “Phương án hướng tuyến, các mục tiêu yêu cầu của quy hoạch tuyến đường dọc sông Hồng từ đoạn cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì, bờ trái, bờ phải sông Hồng”. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng về tinh thần đây là những ý tưởng tốt. Tuy nhiên làm như thế nào cho đúng và hiệu quả mới là điều quan trọng.
KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: Đòi hỏi ứng xử phù hợp
Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Từ ý tưởng tốt đến triển khai hiệu quả - Ảnh 1
Quy hoạch phân khu nằm trong quy hoạch chung nên trước hết phải tuân thủ định hướng của quy hoạch chung. Các đồ án quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng phải tôn trọng, lấy sông Hồng làm chủ thể, coi nó là “cơ thể” thống nhất không được cắt đoạn. Sông Hồng phải được khai thác với ý nghĩa cảnh quan; việc thoát nước ra sông Hồng phải qua xử lý nghiêm ngặt; hai bên bờ phải được nghiên cứu kết nối bằng hệ thống cầu, mà mỗi cây cầu phải là một công trình kiến trúc đặc biệt. Mỗi ngành đều có nghiên cứu về sông Hồng. Bộ GTVT nghiên cứu về giao thông thủy và giao thông đường bộ kết nối với sông Hồng; Bộ NN&PTNT nghiên cứu dòng chảy, thoát lũ, trị thủy…; ngành điện nghiên cứu về thủy điện trên hệ thống sông… Về quy hoạch tổ chức không gian hai bên sông Hồng từ đoạn cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì phải hướng tới việc xây dựng khu đô thị bên sông, cận đô thị lõi hiện tại để tạo vị thế và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong công cuộc hiện đại hóa. Theo tôi hiểu, đồ án quy hoạch này yêu cầu quan trọng nhất là việc tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị của sông Hồng, kết hợp với xây dựng đô thị - nông thôn và các khu chức năng khác ở hai bên sông. Chẳng hạn, quy hoạch cần định hướng phát triển theo kịch bản như thế nào, để khai thác hiệu quả giá trị dòng sông, với việc xây dựng các đô thị, nông thôn, các khu du lịch, nghỉ mát, các vùng chuyên canh lớn. Điều đó cho thấy thái độ trân trọng trước những giá trị vô cùng to lớn của sông Hồng, đòi hỏi phải có cách ứng xử phù hợp, thống nhất.
TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT: Quan trọng là cách làm
Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Từ ý tưởng tốt đến triển khai hiệu quả - Ảnh 2
Theo quan điểm của tôi, khai thác sông Hồng là một ý tưởng tốt. Vì sông Đà, chúng ta khai thác rồi nhưng sông Hồng lâu nay dù được quan tâm nhưng chưa có giải pháp tối ưu khai thác tiềm năng của nó. Vì vậy, tôi cho rằng nghiên cứu quy hoạch đường dọc sông Hồng và đô thị ven sông là chủ trương tốt. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cách thực hiện. Cách làm như thế nào đó thì giữa các đơn vị liên quan phải bàn với nhau để làm sao cho phù hợp nhất. Khi duyệt cho tư nhân làm thì Nhà nước phải có hợp đồng ràng buộc, bởi đây là công trình của Nhà nước. Quy trách nhiệm nếu họ đang làm mà bỏ dở thì phải chịu gì, phải thông thải dòng chảy ra làm sao? Ngay từ đầu phải thống nhất có ràng buộc và phải do Chính phủ chứng giám chứ không phải muốn làm gì thì làm. Còn vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, cá nhân tôi cho rằng không xảy ra vì hiện nay sông Hồng nhiều đoạn trơ đáy. Cho nên mực nước dâng lên nhờ những đập ở các vị trí hợp lý thì sẽ thông thoáng và biến dòng sông khô cạn thành có nước và môi trường sẽ được điều hòa tốt hơn trước. Chuyện gây ra lụt lội cũng không xảy ra vì chúng ta đã xây 3 - 4 bậc thủy điện thì không có chuyện đó được. Khi mùa Hè, chúng ta xả nước để dân lấy nước lên ruộng, còn mùa nhiều nước thì xả ra biển. Đây cũng là một biện pháp điều tiết nước khoa học cho khu vực hai bên ven sông. Tuy nhiên làm thế nào cũng phải bàn kỹ, nếu chúng ta không làm các đập, mỗi năm hàng chục tỷ mét khối nước ngọt đổ ra biển. Nước ngọt bây giờ rất quý. Nếu khai thác được dòng nước đó, chặn lại để giao thông phát triển, lấy được năng lượng điện, để cho thủy lợi phát triển, môi trường điều hòa thì tôi thấy đó là việc làm cần thiết.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:

Phải giải quyết được trị thủy và tái định cư
Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Từ ý tưởng tốt đến triển khai hiệu quả - Ảnh 3
Đồ án quy hoạch tuyến đường dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì mới đây của UBND TP Hà Nội theo tôi là tốt về mặt chủ trương. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế khi triển khai sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Trong đó, áp lực thứ nhất đối với dự án loại này chính là vấn đề tái định cư lượng dân chính thức ở bãi sông Hồng. Áp lực thứ hai là vấn đề trị thủy sông Hồng sẽ như thế nào nếu chúng ta có ý định phát triển thành một TP hai bên sông. Bởi lúc đó sẽ nảy sinh ra vấn đề trị thủy - liệu con sông Hồng có chịu tải được không? Hay là lúc đấy nó lại phá vỡ ở chỗ khác? Vậy làm thế nào giải quyết được bài toán trị thủy và tái định cư? Đây là câu hỏi đã được đặt ra trước đây và hiện tại nếu bắt tay vào thực hiện sẽ không thể tránh khỏi.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng có thể xây dựng theo kiểu tái định cư cuốn chiếu nhưng phải tuân thủ kiến trúc cảnh quan kỹ lưỡng. Nếu không sẽ sinh ra vấn đề chỉ làm mà không tư duy về một khu đô thị đủ tiêu chuẩn về môi trường, dân cư, phố xá, thương mại, kinh tế. Muốn hay không muốn khu phố phải tạo ra việc làm, chứ không tạo ra việc làm thì chắc chắn sẽ không sinh sống được. Điều quan trọng là đưa ra hình thái đô thị phù hợp với ngữ cảnh sông Hồng. Có thể là kiểu đô thị nhà vườn, hoặc nhà chung cư cao tầng tái định cư. Quan niệm phát triển đô thị hiện nay trên thế giới ngoài chuyện đô thị xanh thì quan niệm đô thị phát triển phải lấy con người làm trung tâm gắn với hệ sinh thái tại chỗ. Triết lý đó nên được áp dụng vào quy hoạch sông Hồng. Nghĩa là khu đô thị mới phải phù hợp với tài nguyên nước của sông Hồng và hình thái đó phải phù hợp với bản địa của những người đang cư trú tại đây. Trước đây đã từng có dự án hợp tác giữa Hà Nội và Hàn Quốc nghiên cứu khai thác hai bên sông Hồng với triển lãm đồ án quy hoạch rất lớn năm 2006. Tuy nhiên, theo cảm nhận của giới quy hoạch, đồ án này khai thác quá triệt để không gian sông Hồng. Trong thời điểm này nên tranh thủ ý kiến của người dân cùng ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Chuyên gia nước ngoài có góc nhìn mạnh ở chỗ là hướng tới hiện đại, hướng tới quan niệm mới về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Chuyên gia trong nước hiểu nhiều hơn về câu chuyện bãi sông Hồng, thậm chí gắn với yếu tố phong thủy. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tỉnh táo khi tiếp thu ý kiến.