Quy hoạch khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng rộng 13.000 ha tại tỉnh Sơn La

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch chung khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với khám phá, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên và văn hóa các cộng đồng dân tộc Mông với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo…

UBND tỉnh Sơn La vừa ký Quyết định số 688/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận của huyện Bắc Yên khoảng 13.000 ha, quy mô dân số khoảng 12.000 người. Thời hạn quy hoạch 25 năm (từ năm 2025 – 2050).

Mây núi Tà Xùa tạo nên một vùng phong cảnh ngoạn mục hấp dẫn khách.
Mây núi Tà Xùa tạo nên một vùng phong cảnh ngoạn mục hấp dẫn khách.

Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ xã Tà Xùa; các bản: Háng Đồng, Háng Đồng C, Chống Tra, Háng Bla xã Háng Đồng; các bản: Cáo A, háng Cao, Trang Dua Hang xã Làng Chếu; các bản: Háng Chơ, Sống Chống, Xím Vàng xã Xím Vàng; các bản: Phiêng Ban, Tam Hợp (Suối Thán, Suối Ủn) xã Phiêng Ban.

Đồng thời, nghiên cứu cập nhật, kết nối đồng bộ quy hoạch các điểm du lịch tại bản Pu Nhi xã Phiêng Ban; bản Cang Hợp, bản Hồng Ngài (Hang A Phủ) xã Hồng Ngài; bản Phình Hồ xã Hang Chú.

Mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ sông Đà trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm từng bước phát triển du lịch phấn đấu đến năm 2030 Tà Xùa trở thành khu du lịch cấp tỉnh, là điểm trung tâm kết nối du lịch với các khu, điểm du lịch của các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên.

Làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng, thu hút dự án đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Về tính chất, Quy hoạch chung khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với khám phá, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên và văn hóa các cộng đồng dân tộc Mông với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như: Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch giải trí, du lịch thể thao trên cạn (dã ngoại, đạp xe, leo núi, cắm trại, mạo hiểm, khám phá...), thể thao trên không (dù bay, trực thăng, khinh khí cầu, zipline)...

Du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; du lịch cộng đồng giữ gìn và phát huy tính nguyên bản các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch thăm quan tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa cộng đông dân tộc thiểu số...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần