Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch làng nghề để giảm thiểu ô nhiễm

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các làng nghề nằm xen lẫn khu dân cư đã và đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội. Việc đẩy nhanh công tác quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề xa khu dân cư để đồng bộ hệ thống xử lý môi trường tập trung là giải pháp căn cơ cần thực hiện, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm đang bức xúc hiện nay.

Rác phế liệu được tập kết cao ngất ngưởng tại nhà xưởng sản xuất của các hộ dân làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì. Ảnh: Thùy Anh
Bất an những làng nghề giữa khu dân cư
Những năm qua, người dân làng nghề giày da Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên luôn phải sống trong tình trạng khói bụi bao phủ. Nguyên nhân là các hộ sản xuất da giày nằm trong khu dân cư tự xử lý rác thải từ da vụn, giả da, keo kếp, đế nhựa… theo hình thức đốt một cách bừa bãi.
Nguyên nhân khiến môi trường làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng là do đa số các làng nghề chỉ tập trung vào việc sản xuất, kinh doanh, với đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm thiểu chất thải (lỏng, rắn và khí) từ các quá trình sản xuất rất ít được quan tâm. Ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình của người lao động còn rất hạn chế.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định
Tương tự, tại các cơ sở tái chế nhựa ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm nằm giữa khu dân cư đông đúc nhưng ngày đêm vô tư nhả khói, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, đầu độc bầu không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ngoài nỗi lo ô nhiễm, các cơ sở sản xuất này còn là hiểm họa của tình trạng cháy nổ, cản trở giao thông… do vật liệu sản xuất tập kết tràn lan, kín chật trong các nhà xưởng, vỉa hè lòng đường.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 304 làng nghề truyền thống được công nhận. Để thực hiện Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Cụ thể, môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.
Quy hoạch phù hợp từng loại làng nghề
Để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, đồng thời có điều kiện xử lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, việc quy hoạch, tạo mặt bằng sản xuất riêng cho các hộ làm nghề, tách rời khỏi khu sinh hoạt là rất cần thiết đối với nhiều loại hình làng nghề tại Hà Nội hiện nay. Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đối với các loại hình làng nghề khác nhau và các quy mô sản xuất khác nhau cần triển khai các loại quy hoạch khác nhau, để đạt được hiệu quả cao về bảo vệ môi trường. Có hai loại hình quy hoạch chính cần được xem xét là quy hoạch tập trung, theo cụm công nghiệp nhỏ và quy hoạch phân tán tại chỗ.
Việc quy hoạch tập trung sẽ đảm bảo được thực hiện đồng bộ về cả mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin… giúp cho việc quản lý được thuận lợi và có hiệu quả hơn. Loại hình quy hoạch này có thể được áp dụng cho các nhóm làng nghề có giá trị kinh tế cao và ô nhiễm lớn như: Chế biến tinh bột sắn; làng nghề làm bún, đậu phụ; cơ kim khí; các làng nghề tái chế nhựa, làm dây thừng...
Còn đối với quy hoạch phân tán sẽ bao gồm việc quy hoạch sản xuất ngay tại hộ gia đình, kết hợp với việc quy hoạch cảnh quan môi trường chung, trong phạm vi một làng nghề mà không phải di dời vị trí sản xuất. Việc quy hoạch này thích hợp với các làng nghề cổ, truyền thống như làng nghề làm mây tre đan, sản phẩm thủ công; làng nghề làm bánh tẻ, chè lam… Các làng nghề này nên được quy hoạch giữ nguyên không gian hiện có, hạn chế tối đa việc thay đổi không gian như cơi nới, xây dựng nhà cao tầng, mở rộng đường… nhằm mục tiêu bảo tồn dạng thức không gian ngõ xóm truyền thống của làng nghề cổ truyền thống. Mặt khác, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống còn tạo cơ hội phát triển một hướng đi mới cho làng nghề là du lịch văn hóa.