Quy hoạch lễ hội: Không phải chuyện giữ hay bỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mùa lễ hội 2011 lắng xuống, các nhà quản lý văn hóa lại tất tả quay lại với một vấn đề khá nan giải: Quy hoạch lễ hội.

KTĐT - Mùa lễ hội 2011 lắng xuống, các nhà quản lý văn hóa lại tất tả quay lại với một vấn đề khá nan giải: Quy hoạch lễ hội. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1138/QĐ-BVHTTDL yêu cầu quy hoạch lễ hội trên phạm vi toàn quốc.


Thực tế, bức tranh lễ hội Việt Nam đang loè loẹt sắc màu bởi sự thương mại hoá, lãng phí và … nhốn nháo. Gác sang một bên vấn đề bản sắc lễ hội để thấy thực trạng bội thực lễ hội khi "nhà nhà", "tỉnh tỉnh", "huyện huyện" đua nhau tổ chức lễ hội. Con số 8.000 lễ hội lớn nhỏ được thống kê là số liệu chưa đầy đủ, song đã làm không ít người giật mình nếu ngần ấy hội hè tuần tự diễn ra trong một năm và các địa phương cứ tự phát "thổi phồng" lễ hội nhà mình lên để quảng bá và thu hút khách du lịch. Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Vũ Xuân Thành cho hay, với số lượng lễ hội diễn ra dày đặc, cấp tập như hiện nay thì Bộ VH,TT&DL thành lập bao nhiêu đoàn kiểm tra cũng chỉ xử lý được "phần ngọn". Trong khi đó, xu hướng "nâng tầm", "nâng cấp", thu nạp thêm những chi tiết vốn không thuộc về truyền thống, lịch sử lại đang làm cho lễ hội mất dần nét đẹp vốn có, xa dần cái gốc lịch sử.


Chẳng nói đâu xa, lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) vốn đơn giản là tập tục sau kỳ nghỉ Tết, vua khai ấn để nhập triều làm việc, nhưng giờ người ta lại bán ấn để kiếm tiền, còn người xin ấn, mua ấn là để mong thăng quan, tiến chức. Thế nên mới sinh ra chuyện làm ấn giả, chen lấn, tắc đường, trộm cắp, móc túi… Hay lễ phát lương ở hội Trần Thương (Hà Nam) ngày trước được tổ chức với quy mô nhỏ, phát vài chục túi tượng trưng với ý nghĩa giáo dục cho con cháu tính tiết kiệm, biết phòng xa. Hai năm trở lại đây lại ồn ào phát lương rộng rãi cho du khách. Ấy là cơ hội cho chuyện bán túi lương được thể tung hoành…


Quả là đã đến lúc cần kíp để đưa hoạt động lễ hội vào khuôn khổ, trật tự. Điều này thực sự không dễ vì bao năm đương đầu đến đau đầu vì nó mà các nhà quản lý văn hoá mới làm được một phần nào đó trong việc quản lý. Quy hoạch lễ hội là đường đi chuẩn như thực tế ở một số địa phương đã khẳng định. Chùa Hương - lễ hội lớn nhất và dài ngày nhất Việt Nam - đã quy củ hơn trước nhiều khi trao cho huyện Mỹ Đức quản lý. Đáng ghi nhận là nạn trốn vé thắng cảnh, tự phát giá thuyền đò, cờ bạc trên suối Yến… đã không còn làm phiền khách hành hương. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng quy củ hẳn khi tỉnh Hải Dương tiến hành quy hoạch lễ hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2008.


Vấn đề đặt lên bàn bây giờ là quy hoạch để xác định lễ hội nào nên tổ chức ở tầm mức, quy mô ra sao. Nhiều ý kiến của giới chuyên môn được đưa ra góp ý và tham khảo. Có người cho rằng, với lễ hội truyền thống tồn tại lâu đời thì không thể và không nên quy hoạch, bởi đó là nhu cầu của nhân dân, nhu cầu của cộng đồng, Nhà nước không nên đầu tư vào những lễ hội này. Còn đối với các lễ hội hiện đại, festival thì cần thiết phải có quy hoạch và xây dựng hệ thống tổ chức tốt hơn. Có ý kiến đề xuất không nên tính chuyện bỏ hay nâng cấp lễ hội truyền thống…


Rõ ràng việc quy hoạch là cần thiết, nhưng nếu quy hoạch để xem lễ hội nào cần thì giữ, không cần thì bỏ là không nên. Lễ hội là nhu cầu của người dân, họ có quyền thụ hưởng. Mặc dù vậy, Nhà nước cũng phải quản lý, chứ không thể buông lỏng theo kiểu đấu thầu, khoán lễ hội vì nhìn vào thực tế sẽ thấy phần lớn sai phạm là do đấu thầu, khoán di tích mà ra.


Các nhà quản lý mới bắt đầu vào cuộc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch lễ hội. Thời gian từ giờ cho đến khi có một quy hoạch hoàn chỉnh chắc chắn không ngắn và còn nhiều bàn cãi.