Dư luận cho rằng, ùn tắc giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó tần suất hoạt động của xe khách chỉ là một phần rất nhỏ; Việc điều chỉnh chưa biết mang lại lợi ích đến đâu nhưng trước mắt sẽ gây nhiều khó khăn cho cả DN, người dân lẫn cơ quan quản lý.
Phản ứng trái chiều
Tháng 6/2015, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT về việc quy hoạch lại luồng tuyến VTHK liên tỉnh tại Hà Nội theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Tinh thần chủ đạo là điều chuyển các tuyến VTHK liên tỉnh đi/đến địa phương ở hướng nào thì quy tụ về bến xe cùng hướng đó. Tuy nhiên, quyết định này đã làm dấy lên nhiều lo ngại và những phản ứng trái chiều từ cả phía người dân, DN vận tải lẫn cơ quan chức năng địa phương. Trong đó nổi lên 3 câu hỏi lớn cần Bộ GTVT cùng các cơ quan hữu quan giải đáp thỏa đáng.
Thứ nhất, người dân Hà Nội thắc mắc, với hệ thống VTHK công cộng kém phát triển như hiện nay, nếu sinh sống ở phía Nam nhưng lại cần di chuyển đến một địa phương nằm ở phía Bắc, buộc phải di chuyển đến Bến xe Gia Lâm (bến Bắc) để đón xe khách, người dân sẽ đi như thế nào. Việc di chuyển vừa làm phát sinh chi phí, tăng thêm thời gian lại góp phần gia tăng áp lực giao thông liệu có đảm bảo tính khoa học, thuận tiện (?).
Thứ hai, nhiều DN vận tải kiến nghị, việc thay đổi đầu bến vừa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh, lại vừa có sự chênh lệch về chi phí, tăng chi - giảm thu, do đó, nhiều DN không muốn thay đổi. Một chủ DN vận tải tại Nghệ An (xin giấu tên) cho biết, hiện mức phí dịch vụ của Bến xe Mỹ Đình dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/chuyến, trong khi đó, phí dịch vụ tại Bến xe Nước Ngầm là 670.000 đồng/chuyến. Mặt khác, Bến xe Nước Ngầm hiện nay quá thiếu xe buýt kết nối nên rất khó khăn trong cả việc đưa khách đến lẫn chở khách đi. Thực tế đó càng khiến hành khách hạn chế lựa chọn Bến xe Nước Ngầm hơn và nó cũng đồng nghĩa với thị phần của DN bị teo nhỏ bất khả kháng.
Thứ ba, không chỉ các DN mà ngay cả các Sở GTVT, chính quyền địa phương đối lưu cũng có những ý kiến không đồng thuận với việc điều chỉnh luồng tuyến. Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, vừa qua một số địa phương như Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Tĩnh… đã có kiến nghị trình Chính phủ xin tạm dừng điều chỉnh luồng tuyến VTHK liên tỉnh tại Hà Nội, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GTVT và TP Hà Nội xem xét lại theo thực tế để có hướng thực hiện hài hòa, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.
Nền tảng hạ tầng còn hạn chế
Thời gian qua, dư luận nổi lên rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về tình trạng xe khách đi xuyên tâm, gây ùn tắc giao thông, đặt ra vấn đề bức thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch luồng tuyến VTHK liên tỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng không thể nhìn nhận vấn đề chỉ ở một chiều cạnh, hay cảm tính, chủ quan. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga khẳng định: “Ùn tắc giao thông trước hết là do hạ tầng kém phát triển. Quỹ đường sá eo hẹp, phương tiện cá nhân tăng chóng mặt dẫn đến những khó khăn cơ bản trong việc tổ chức giao thông”.
Cùng những trăn trở về hạ tầng giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang chia sẻ: “Khi chúng ta xây dựng tuyến Vành đai 3, ít ai ngờ rằng tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội lại nhanh đến vậy. Nay tiếng là đường vành đai nhưng thực tế đường dưới thấp và cầu cạn Vành đai 3 đã bị đẩy lùi sâu vào giữa vùng đô thị mới”. Ông Quang nhận định, cần thiết phải nhanh chóng xây dựng tuyến Vành đai 3,5 để đẩy áp lực giao thông ra khỏi nội thành. Nhưng có thể phải cần đến hàng chục năm mới thực hiện được một tuyến đường vành đai như thế, trong khi tốc độ đô thị hóa không hề chững lại. “Hạ tầng giao thông của Hà Nội đang phải chống chọi với áp lực vượt quá sức chịu đựng” – ông Quang nói.
Trong bối cảnh đó, cộng với mạng lưới VTHK công cộng kém phát triển như hiện nay, việc sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến VTHK liên tỉnh là vô cùng khó khăn. Vị đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, trong 5 bến xe lớn của TP: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nước Ngầm thì 3 bến đang vận hành tốt, chứng tỏ được tính hợp lý và hiệu quả của quy hoạch GTVT. Bến xe Yên Nghĩa, sau khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động cũng sẽ có vai trò hết sức quan trọng với khu vực Tây Nam Thủ đô. Còn Bến xe Nước Ngầm, ngay từ đầu đã không nằm trong quy hoạch chính, thiếu tính kết nối với các khu vực nội thành. Do đó, vận hành hiệu quả bến xe này vẫn còn là bài toán phức tạp đối với cơ quan quản lý.
Đừng áp đặt
Hiện 5 bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội đang đáp ứng 668 tuyến VTHK liên tỉnh với tần suất 140.411 chuyến/tháng, kết nối đến 42 tỉnh, TP trên cả nước. Trong đó, lớn nhất hiện nay là Bến xe Mỹ Đình với 47.760 chuyến/tháng, kế đến Bến xe Giáp Bát 35.238 chuyến/tháng, Bến xe Gia Lâm với 27.676 chuyến/tháng. Đây thực sự là một bài toán mang tính xã hội lớn, cực kỳ phức tạp và khó khăn. Những khó khăn thực tế trong quá trình thực hiện quy hoạch, Sở GTVT Hà Nội đều đã báo cáo với Thành ủy, UBND TP và được thống nhất về nguyên tắc sẽ tiến hành theo 3 giai đoạn điều chỉnh. Giai đoạn 1, từ tháng 11/2016 Sở sẽ điều chỉnh giảm tần suất, thu hẹp số lượng các tuyến VTHK liên tỉnh đi trong giờ cao điểm, đặc biệt là tuyến có lộ trình đi trên Vành đai 3. Giai đoạn 2, từ quý I/2017, Sở sẽ tiếp tục giảm tần suất xe khách vận hành vào ban ngày, tăng thêm nhiều nốt xe vận hành vào tối, đêm hoặc sáng sớm để phân giải áp lực giao thông. Giai đoạn 3, vào quý II, III/2017 sẽ hoàn chỉnh quy hoạch đối với 5 bến xe chính gồm: Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm.
Đồng thuận với cách làm của Sở GTVT Hà Nội, nhiều DN, Sở GTVT các tỉnh đối lưu đã đề xuất giữ nguyên hiện trạng luồng tuyến đang hoạt động; chỉ điều chỉnh các tuyến mở mới. Trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh, cần đảm bảo sự công bằng cho DN, thuận tiện cho hành khách, có sự sắp xếp khoa học để tránh tình trạng chồng chéo, tranh giành thị phần về sau.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do xe khách. Việc điều chỉnh luồng tuyến phải đảm bảo hài hòa lợi ích tất cả các bên đừng vội quy kết cho VTHK liên tỉnh, điều chỉnh vội vàng để ảnh hưởng đến người dân và DN. Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên Tống Duy Kim |