Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội: Sớm điều chỉnh những bất cập

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang rà soát Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg năm 2015, trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị.

Thực tế cho thấy, Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị hiện đã bộc lộ một số vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với hiện tại và tương lai.

Chưa theo kịp biến động

Từ nhiều thập kỷ trước, đường sắt đô thị (ĐSĐT) đã được nghiên cứu, định hướng đầu tư xây dựng để trở thành xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Thủ đô. Sau khi tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, tính ưu việt và sự cần thiết của ĐSĐT lại càng được thể hiện rõ, thôi thúc TP Hà Nội quyết tâm hơn nữa trong việc hoàn thiện mạng lưới theo quy hoạch.

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 (Quy hoạch 519), mục tiêu của TP là sẽ xây dựng 9 tuyến ĐSĐT và mạng lưới các tuyến kết nối đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8km; trong đó: 342,2km cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng và 75,6km đi ngầm.

Tuy nhiên, ông Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với các cơ quan chuyên môn của TP, cũng như báo cáo UBND TP về việc cần thiết phải điều chỉnh, vi chỉnh lại Quy hoạch 519”.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Hùng
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Hùng

Theo lý giải của đại diện Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, bởi thứ nhất, về mặt tổng thể, Quy hoạch 519 và hệ thống ĐSĐT được tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, đưa ra để trình Thủ tướng Chính phủ vào trước thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008).

Do đó hệ thống ĐSĐT được nghiên cứu trong Quy hoạch 519 chỉ nghiên cứu cho khu vực Hà Nội. Dù có xem xét đến yếu tố kết nối với một vài khu vực của Hà Tây, chẳng hạn như thị xã Sơn Tây, quận Hà Đông… nhưng vẫn cần phải nghiên cứu bổ sung thêm nhiều khu vực mà ĐSĐT chưa tiếp cận đến, các khu đô thị mới có khả năng sẽ trở thành các khu dân cư tập trung, đặc biệt là khu vực tỉnh Hà Tây cũ.

Thứ hai, trong quá trình quản lý quy hoạch, đã có những bất cập cần phải vi chỉnh từ Quy hoạch 519 để làm cơ sở điều chỉnh trên thực tế. Ví dụ như sự trùng lặp đoạn tuyến giữa ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông với ĐSĐT số 2 đoạn Thượng Đình đi nhà ga T2 Nội Bài.

Tổng Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn cũng cho rằng, Quy hoạch mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội còn rất nhiều khoảng trống. “Nhiều trục đường trước đây không có Quy hoạch ĐSĐT nhưng hiện đã trở thành trục chính, mật độ giao thông rất lớn, ví dụ như đương Lê Văn Lương - Tố Hữu có thể kết nối thẳng đến Hòa Bình. Cần nghiên cứu bổ sung cho trục này một tuyến ĐSĐT, và phải điều chỉnh từ Quy hoạch 519” - ông Phạm Hữu Sơn nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, các đô thị đặc biệt như Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng ban hành nghị quyết, chiến lược riêng về phát triển đô thị theo mô hình TOD - lấy ĐSĐT làm hạt nhân trung tâm, xem đây là một giải pháp trọng tâm, ưu tiên để phát triển đô thị bền vững. TOD phải được nhìn nhận trên góc độ tổng thể phát triển và tái phát triển đô thị, cấu trúc cũng như tái cấu trúc đô thị, không chỉ nhìn nhận riêng rẽ trong lĩnh vực GTVT.

Do đó, cần rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới ĐSĐT kết hợp quy hoạch mô hình TOD tại khu vực các nhà ga; depot; xem xét đánh giá kỹ lưỡng việc lựa chọn hướng tuyến, vị trí nhằm khai thác triệt để không gian ngầm các khu vực nhà ga, depot của ĐSĐT gắn với tái thiết hạ tầng đô thị và bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa.

Có thể thấy mạng lưới ĐSĐT Hà Nội đang có những bất cập nhất định, cần được điều chỉnh ngay từ quy hoạch, đồng thời đòi hỏi TP phải đưa ra chiến lược mới nhằm thúc đẩy tiến trình đầu tư, xây dựng.

Thận trọng, chắc chắn

Theo Nghị Quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, đến năm 2025, tỷ lệ VTHKCC đạt từ 30 - 35% với ưu tiên đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trên cao, ĐSĐT, và các công trình ngầm kết nối đồng bộ giữa các loại hình VTHKCC.

Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu cụ thể là: “Hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TP
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035”.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho rằng, thực tế hiện nay, tốc độ đầu tư xây dựng ĐSĐT của Hà Nội rất chậm, chưa đáp ứng mục tiêu về phát triển ĐSĐT được theo yêu cầu đặt ra. Việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới, phân cấp, phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên là rất quan trọng.

“TP Hà Nội cần kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư cho điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến, tránh trùng lặp, hoặc kéo dài tuyến đến những khu vực có điều kiện hạ tầng thuận lợi, nhu cầu cao để đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí. Mặt khác, cần phân cấp, phân kỳ đầu tư, ưu tiên những tuyến quan trọng triển khai trước” - ông Vũ Tuấn Linh nói.

Đối với vấn đề điều chỉnh quy hoạch mạng lưới ĐSĐT, Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho rằng cần hết sức thận trọng, chỉ nên điều chỉnh nhỏ cho hợp lý, không nên có những thay đổi lớn.

 

Bộ Chính trị khóa XIII yêu cầu trong hơn 20 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành khoảng gần 400km ĐSĐT còn lại. Đây là thách thức hết sức nặng nề đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng, đề xuất mô hình tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng ĐSĐT mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế, để có thể rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu

 

“Hiện chúng tôi đang được giao nhiệm vụ quản lý hành lang bảo vệ đường sắt theo Quy hoạch 519. Ban có nhiệm vụ cung cấp các văn bản thỏa thuận cho những đơn vị cấp phép xây dựng, ví dụ như các quận, huyện, các sở để cấp phép xây dựng cho nhà dân. Nếu thay đổi lớn sẽ làm xáo trộn việc cấp phép, cần phải nghiên cứu, đánh giá khách quan nếu có thay đổi lớn” - ông Lê Trung Hiếu cho hay.

Theo vị lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, để rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giai đoạn thi công xây dựng của dự án, Quốc hội, Chính phủ nên giao quyền chủ động cho TP Hà Nội trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư xây dựng các dự án ĐSĐT của TP; cho phép Hà Nội thành lập Hội đồng thẩm định của TP để tổ chức thẩm tra, thẩm định các dự án ĐSĐT Hà Nội, báo cáo HĐND TP phê duyệt chủ trương, báo cáo Chủ tịch TP quyết định đầu tư cũng như các vấn đề khác như: giải phóng mặt bằng, đơn giá định mức…

Các chuyên gia cho rằng, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới ĐSĐT trong bối cảnh hiện tại là cần thiết, tuy nhiên cần được tiến hành thận trọng, chắc chắn, có nghiên cứu kỹ càng tổng thể. Mỗi dự án ĐSĐT đều có suất đầu tư hàng tỷ đô la, vô cùng đắt đỏ và khó khăn nên Hà Nội phải chắt chiu từng cơ hội, từng điều kiện nhỏ nhất.