Quy hoạch mới 8 khu công nghiệp và 28 cụm công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh sẽ có thêm 8 khu công nghiệp mới với tổng diện tích quy hoạch là 6.589,03 ha.

Tỷ lệ lấp đầy còn thấp

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, KCN phía Bắc Đầm Nhà Mạc 1.400 ha; KCN phía Nam Đầm Nhà Mạc 1.334 ha; KCN phía Đông sông Rút 340 ha; KCN phía Tây sông Khoai 400 ha đều nằm trên địa bàn thị xã Quảng Yên, KKT ven biển Quảng Yên; KCN Uông Bí 1.200 ha nằm trên địa bàn TP Uông Bí, KKT ven biển Quảng Yên; KCN Việt Hưng 2 với 500 ha nằm tại TP Hạ Long; KCN Cẩm phả 2 với 228 ha tại TP Cẩm Phả và KCN Đông Triều 2 với 1.187 ha tại Thị xã Đông Triều.

Tại báo cáo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh đang có 16 KCN, bao gồm các KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đang trong quá trình xây dựng và các KCN đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư.

Cổng vào KCN Cái Lân, TP Hạ Long.
Cổng vào KCN Cái Lân, TP Hạ Long.

16 KCN này có tổng diện tích 12.886,8 ha nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong số này, hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư và thành lập.

10 KCN này gồm: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hoành Bồ, Hải Yên, Texhong Hải Hà - giai đoạn I (thuộc KCN- Cảng biển Hải Hà), Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong và Bạch Đằng (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc).

Bên cạnh đó, 7 KCN đã có nhà đầu tư thứ cấp, gồm: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong.

Các KCN hiện chủ yếu tập trung tại các địa phương như thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long, huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái - những khu vực tập trung các đầu mối giao thông, hạ tầng sẵn có như cao tốc Hạ Long - Hà Nội, cảng Cái Lân, Tiền Phong, Hải Hà, cửa khẩu Móng Cái, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và giao lưu hàng hóa.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn (43%) hiện đang thấp hơn mức bình quân cả nước (72%) và hiện tại chưa được quản lý theo thông lệ tốt nhất.

28 cụm công nghiệp mới

Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh này sẽ có thêm 28 CCN mới với tổng diện tích dự kiến 1.626,31 ha.

Một số CCN quy hoạch mới có diện tích lớn như: CCN Dương Huy (về cơ khí, sửa chữa máy móc thiết bị) ở xã Dương Huy, TP Cẩm Phả;  CCN Đạp Thanh (sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, sửa chữa cơ khí) tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ; CCN Nam Sơn 2 (đa ngành, đa nghề) tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ…

Theo báo cáo quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng 8 cụm công nghiệp với diện tích 443,97 ha; có 5 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74 ha, gồm:

CCN Kim Sen, thị xã Đông Triều với diện tích 70,78 ha; CCN Hà Khánh, TP Hạ Long với diện tích 50,01 ha; CCN Hoành Bồ, TP Hạ Long với diện tích 69,4 ha; CCN Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả với diện tích 75 ha; CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ với diện tích 47,55 ha. Các CCN này thu hút được 423 dự án thứ cấp với 5.100 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 65,38%.

Ba CCN đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: CCN Phương Nam, TP Uông Bí với diện tích là 62,65 ha; CCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên với diện tích là 16 ha;  CCN Vân Đồn, huyện Vân Đồn với diện tích 52,58 ha.

Không gian bố trí các CCN hiện tại tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm như Hạ Long và Cẩm Phả và tiểu vùng phía tây như Đông Triều và Uông Bí, là các khu vực có điều kiện giao thông tốt và gần các đô thị hiện hữu.

Các CCN góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, phục vụ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường.