Quy hoạch nghĩa trang: Phải có nhiều kịch bản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đồ án quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ được trình để thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của HĐND TP Hà Nội vào tháng 12 tới.

Mới đây, Đồ án đã được đưa ra để lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia. Những vấn đề được phân tích, mổ xẻ, cho thấy quy hoạch nghĩa trang (bao gồm cả quy hoạch nhà tang lễ) là bài toán phức tạp không chỉ liên quan đến vấn đề đất đai, vốn, môi trường mà còn là vấn đề văn hóa, tâm linh, phong tục tập quán...

Phức tạp hơn….quy hoạch sử dụng đất

Quỹ đất là yếu tố rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội trong việc xác lập quy hoạch nghĩa trang. Tuy nhiên, việc phân bố dân cư theo quy hoạch chung Thủ đô và nếu Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua sẽ tạo nên những dữ liệu mới cần cập nhật, phân tích để tính toán tác động. Bên cạnh đó, tuổi thọ của người dân được dự báo sẽ tăng cao hơn trong những năm tới cũng là một yếu tố cần tính đến. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Hà Nội nên đưa ra nhiều phương án khi quy hoạch nghĩa trang, nhà tang lễ.

Quy hoạch nghĩa trang: Phải có nhiều kịch bản - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
 
Theo TS Đinh Hạnh, Đồ án đã được soạn thỏa một cách nghiêm túc và đã lấy ý kiến đóng góp, phản biện theo đúng quy trình. Tuy nhiên, cần bổ sung phần phân tích, đánh giá thực trạng, phân bổ hiện nay có đảm bảo môi trường, sử dụng đất. Từ đó cần tính toán mức độ thu hồi đất để có quyết định hợp lý trong việc lấy đất nông nghiệp, điều này rất quan trọng với các quận, huyện. TS Đinh Hạnh lưu ý, cuộc vận động văn minh trong tang lễ liên quan đến hình thức hỏa táng và cũng liên quan đến vấn đề chiếm đất, quy hoạch nghĩa trang. 

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội lại cho rằng, quy hoạch nghĩa trang, nhà tang lễ, không đơn giản là quy hoạch hạ tầng mà là một quy hoạch đa ngành. Thậm chí, quy hoạch sử dụng đất còn đơn giản hơn. Do vậy phải lấy ý kiến rộng rãi hơn, tránh hình thức. TS Nghiêm cho rằng, quy hoạch cần đánh giá, phân tích dựa trên kết quả điều tra xã hội học. Đặc biệt, cần có quy chế quản lý kiến trúc để xây dựng mộ phần sau này, thể hiện tính ưu việt xã hội, tính bình đẳng.

Tính khả thi phụ thuộc vào sự đồng thuận

Một vấn đề được đặc biệt quan tâm khi phân tích về tính khả thi của Đồ án quy hoạch nghĩa trang đó là sự đồng thuận, phản ứng của người dân nơi sẽ đặt nghĩa trang, nhà hỏa táng và những chính sách ưu đãi cho các khu vực, người dân nơi đặt dự án. Theo ông Tô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Dự thảo quy hoạch đã phân cấp nghĩa trang thành phố, quận, huyện, thôn xã..., nếu không quy định rõ đối tượng sử dụng sẽ làm phát sinh mâu thuẫn trong thực tế và tạo nên mất cân đối. Theo đơn vị tư vấn, hiện có 5 huyện không đồng tình, 1 huyện không có ý kiến về quy hoạch nghĩa trang. Ông Tuấn cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân, lý lẽ của những huyện không đồng tình để có cơ chế, chính sách phù hợp. 

Dự thảo cũng nêu rõ, hỏa táng là hình thức văn minh, hiện đại, tiết kiệm được quỹ đất và dự báo tỷ lệ hỏa táng sẽ tăng dần và đạt tỷ lệ 70% trong giai đoạn 2030 - 2050 ở thành phố trung tâm. Tương ứng về thời gian, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn dự báo đạt 30%. Tuy nhiên, về việc vận động người dân thực hiện phương thức hỏa táng, nhiều huyện có ý kiến cho rằng đây là một việc khó bởi vì nó liên quan đến vấn đề văn hóa, tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Vì vậy, để thực hiện được việc này cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về vấn đề này. 

Về nguồn vốn, dự tính từ nay đến năm 2020 đã vào khoảng 9.700 tỷ đồng. Trước nhu cầu vốn rất lớn để triển khai quy hoạch, các chuyên gia cho rằng, cần phân tích, dự báo về xã hội hóa, tính đến cả phương thức BT, BOT, vốn đầu tư nước ngoài và phối hợp các tỉnh liền kề, giáp ranh để xây dựng nghĩa trang.

Theo Dự thảo quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, từng bước đóng cửa 6 nghĩa trang hiện có (Yên Kỳ 1, Sài Đồng, Mai Dịch 1, Hà Đông, Xuân Đỉnh, Văn Điển), trồng cây xanh, cải tạo thành công viên nghĩa trang trước năm 2015. Dự kiến mở rộng và xây mới 20 nghĩa trang với quy mô 638,5ha vào năm 2030.