Các dự án được chấp thuận trước thời điểm quy hoạch
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, ý kiến giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú không phải vấn đề mới mà đã được đặt ra ngay từ khi bắt đầu lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Theo Bộ VHTT&DL kiến nghị này có thể dẫn đến một số hệ quả như đối với các dự án đang xây dựng dở dang thì phải tháo dỡ toàn bộ; dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thì phải hủy bỏ. Đây là vấn đề phức tạp cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được chấp thuận trước thời điểm lập quy hoạch. UBND Đà Nẵng sẽ rà soát và giải quyết theo quy định.
Về sự phù hợp của quy hoạch với Luật đầu tư, Bộ VHTT&DL cho rằng điều 30 Luật Đầu tư quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà không phải là dự án đầu tư, do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 30 Luật Đầu tư và không trái với Luật Đầu tư. Bộ VHTT&DL thông tin quy hoạch Sơn Trà được Thủ tướng phê duyệt 9/11/2016 và được công bố vào 15/2/2017 và chưa hề được triển khai trên thực tế. Sau khi công bố, đã có ý kiến đề nghị điều chỉnh của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Bộ khẳng định Quy hoạch phát triển tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã được lập, trình và phê quyệt theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Quy hoạch được thực hiện một cách khoa học, khách quan, phối hợp chặt chẽ với TP Đà Nẵng... Việc ban hành quy hoạch này nhằm quản lý và kiểm soát tốt hơn hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà
|
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chỉ đạo buổi tọa đàm sáng 30/5 |
Phát triển du lịch hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Hôm nay chúng ta ngồi bàn về quy hoạch của một vấn đề nóng là điều rất đáng mừng. Mới thấy có nhiều chuyện của ngành du lịch chúng ta cần hoàn thiện. May mắn có giai đoạn giá đất suy thoái, không thì Sơn Trà cũng sạch rồi. Chúng ta có 25 dự án, 18 được phê duyệt nay cần đặt vấn đề xem xét lại chọn các dự án một cách nghiêm túc.”.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng Đà Nẵng rất dũng cảm khi quyết định giảm từ hơn 5000 phòng xuống 1.600 phòng. Vấn đề tiếp theo là nếu giảm thì chiến đấu với doanh nghiệp thế nào, có ý kiến là trả lại tiền, bồi thường thiệt hại, có ý thì bảo bồi thường chỗ đất không. Đây không phải vấn đề đơn giản.
"Đặt vấn đề quy hoạch mới xem xét lại từng phần cho dự án. Quy hoạch không có vấn đề mà từng dự án đã thực hiện nghiêm túc chưa. Muốn đảm bảo du lịch phát triển bền vững, Đà Nẵng phải có quy định chặt chẽ kèm theo, đặc biệt quy định môi trường. Chúng ta hãy chọn nơi nào môi trường không bị tổn thương nhiều nhất, nếu anh không đầu tư thì mời đi chỗ khác. Tại sao cứ nhè chỗ cây cối xanh um, mặt nước nhiều để xây dựng. Phải nhìn cái lợi tổng thể” - ông Bình đề xuất.
|
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ ý kiến về việc xây dựng các công trình khách sạn trên bán đảo Sơn Trà. |
PGS.TS Phạm Trung Lương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: “Tôi đồng tình phát triển du lịch phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không được quá bên này, quá bên kia. Quy hoạch tổng thể chỉ là cái khung. Nói quy hoạch đó sai nhiều quá hay ít quá là quá sớm. Trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh. Vi phạm không phải lỗi quy hoạch mà là lỗi của từng dự án. Để xác định được các nhiệm vụ cụ thể trong khu du lịch bán đảo Sơn Trà, tôi kiến nghị rà soát lại, xin ý kiến thành lập tổ chuyên gia độc lập, xác định các vấn đề đặt ra, vấn đề bảo tồn, quy mô điều chỉnh ở đâu, điều chỉnh bao nhiêu, cái gì?”.
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, người gửi kiến nghị lên UBND TP Đà Nẵng và các cấp cao hơn về mối lo ngại của bản quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà thì: “Sơn Trà có ba điều hết sức quan trọng được xem như báu vật: Bán đảo Sơn Trà là khu đa dạng sinh học của Đà Nẵng; Sơn Trà là mắt thần của an ninh quốc phòng; Sơn Trà là rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của Đà Nẵng, của Việt Nam. Đặc biệt loài động vật voọc Chà Vá chân nâu được gọi là nữ hoàng linh trưởng của thế giới và sách đỏ ghi rằng đó là loài động vật nguy cấp phải bảo vệ vô điều kiện.”
Góp ý về các dự án đang triển khai, đã được phê duyệt tại Sơn Trà, ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng, trước mắt phải bàn vấn đề bảo tồn hơn là khai thác. “Nếu chúng ta chọn phương án hài hoà, số lượng dịch vụ du lịch sẽ tăng rất nhanh, và thu nhập không chỉ rơi vào một túi ai đó mà rơi vào cộng đồng dân cư, cải thiện đời sống của người dân Đà Nẵng”, ông Vinh nói thêm.
Quy hoạch Sơn Trà không trái luật
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết những kiến nghị Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các con số về diện tích rừng, Bộ Tư pháp đã rà soát về tính pháp lý của Quy hoạch Sơn Trà.
"Thông tin chính thức mà tôi nhận được từ Bộ Tư pháp là Quy hoạch Sơn Trà không trái luật", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.
Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao các Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài nguyên & Môi trường rà soát các số liệu liên quan tới Sơn Trà.
"Sắp tới tại Đà Nẵng sẽ diễn ra tọa đàm để các nhà khoa học, nghiên cứu tại Đà Nẵng có điều kiện tham dự", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.
Về ý kiến tổ chức một tổ tư vấn độc lập để lấy ý kiến đóng góp vào quy hoạch, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết sẽ nghiên cứu để tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, quản lý và kể cả người dân một cách cầu thị.