Những kết quả đạt được đã tạo nền tảng mới, khí thế mới để bước vào mùa Xuân mới, trong bối cảnh thời cơ, thách thức đan xen và nhiều hy vọng mới.
Nhìn nhận từ thực tế
Trong những năm qua, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị xanh, hiện đại, tạo đà cho những năm tới xây dựng đô thị thông minh là hướng đi đột phá, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia, phát huy vai trò Thủ đô của Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một thực tế cần nhìn nhận là công tác quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, giải phóng mặt bằng ở một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm; nhiều dự án chậm triển khai, vi phạm quy định Luật Đất đai nhưng công tác rà soát, xử lý chưa kiên quyết. Vi phạm về quản lý trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn. Tình trạng tái lấn chiếm sử dụng vỉa hè, lòng đường, trông giữ phương tiện giao thông còn nhiều. Vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải rắn, nước thải còn nhiều bất cập, chậm triển khai các dự án xử lý, kết quả di dời các cơ ở gây ô nhiễm chưa đáng kể…
Đại dịch Covid-19 bùng phát trong vòng 2 năm qua đã làm bộc lộ không ít tồn tại trong quy hoạch, phát triển đô thị. Khu vực tập trung đông dân cư sống trong điều kiện hạ tầng thấp kém, khu chung cư cũ xuống cấp làm gia tăng tốc độ lây lan dịch bệnh. Thiếu vắng những khu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ”…
Trước những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi giai đoạn tới là cần đổi mới căn bản, toàn diện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong đó không chỉ người quản lý có tầm nhìn mà còn cần huy động sức mạnh cộng đồng cùng đồng hành để phát triển toàn diện. Gắn giữa quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch. Tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh; tăng cường quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, kỷ cương và văn minh đô thị.
Đặc biệt, TP cần tập trung xây dựng, phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng của Thủ đô. Xây dựng đô thị thông minh không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái hiệu quả mà còn giúp dự báo được các rủi ro, nguy cơ, tăng khả năng thích ứng để phát triển bền vững.
Hà Nội có nhiều lợi thế về nguồn lực khoa học kỹ thuật tiệm cận với thế giới, song không thể dàn trải mà cần làm từng bước, có chọn lọc theo lộ trình và hơn cả là kế thừa, phát huy kinh nghiệm của những năm qua để tạo lập bản sắc. Để có nguồn lực mạnh rất cần thu hút sự tham gia của khối tư nhân, của đổi mới, của khởi nghiệp sáng tạo. Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, phát huy truyền thống, con người nhân văn.
Tạo đột phá từ công tác quy hoạch
Năm 2022, Hà Nội đã có quyết sách linh hoạt để xây dựng nền tảng cơ bản và đột phá mới là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh các định hướng, quản lý, phát triển đô thị qua việc tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung, lập quy hoạch phát triển Thủ đô, xây dựng chương trình phát triển đô thị và quan trọng là sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô.
Việc triển khai, lập quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn và phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Đây là loại hình quy hoạch mới tác động đến phát triển đồng bộ, hài hòa trên cả địa bàn. Để đảm bảo quy hoạch có tầm nhìn xa và chất lượng rất cần có giải pháp huy động lực lượng tham gia nghiên cứu, kết nối được với vùng, với quản lý ngành quốc gia và sự tham gia của cộng đồng, của chính quyền địa phương trong TP.
Song hành cùng với lập quy hoạch mới là điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, đây là bước đi linh hoạt để tạo không gian thông minh, người dân thông minh. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Qua 10 năm thực hiện theo định kỳ cần được điều chỉnh, đồng thời cũng là thời cơ để quy hoạch phù hợp với điều kiện mới, bối cảnh mới. Đây cũng là công việc để xác định về tầm nhìn quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, hạn chế điều chỉnh cục bộ trong thực hiện.
Bên cạnh đó còn nhằm đẩy mạnh đô thị hóa mà cụ thể là xây dựng 5 huyện trở thành quận, tạo tiền đề cho xây dựng TP trong TP. Trong đó cần quan tâm đánh giá kết quả các quy hoạch cụ thể đã thực hiện các chỉ tiêu như dân số, phân bổ dân số, phát triển không gian, mô hình chùm đô thị, các khu chức năng dự án, cải tạo đô thị hiện hữu…
Vừa nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung, vừa xây dựng quy hoạch mới và xây dựng chương trình phát triển đô thị là các vấn đề độc lập, song có liên quan hữu cơ, rất cần đổi mới trình tự, đảm bảo khách quan trong thẩm định. Các kết quả nghiên cứu này khi đưa vào cuộc sống sẽ là những đột phá mới để Hà Nội sớm trở thành đô thị thông minh, hòa nhập với xu thế phát triển của khu vực và thế giới, để Hà Nội tiên phong trong ASEAN như mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII xác định.