Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch Thủ đô: Hành lang xanh phải là điểm nhấn

KTS Trần Huy Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang thực hiện rà soát đánh giá việc triển khai, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã lập 10 năm trước để tiến hành điều chỉnh.

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu phát triển bền vững…, vậy hành lang xanh được xác định như thế nào trong bản quy hoạch Thủ đô sẽ được lập trong thời gian tới đây?

Quy hoạch Thủ đô phải tạo được không gian nhiều diện tích xanh, kinh tế phát triển. Ảnh: Hoàng Hà
Quy hoạch Thủ đô phải tạo được không gian nhiều diện tích xanh, kinh tế phát triển. Ảnh: Hoàng Hà

Hệ lụy của phát triển đô thị theo “vết dầu loang”

Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính lên 3.340km2 và bắt tay vào lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050. Bản quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259 (gọi là QHC 1259) đã đề ra chiến lược khống chế phát triển đô thị tự phát bằng giải pháp thiết lập hành lang xanh chiếm tỷ lệ 70% tổng diện tích đất tự nhiên.

Theo QHC 1259, hành lang xanh tập trung chủ yếu từ Vành đai 4 tới khu vực sông Đáy, sông Tích, trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa và Phú Xuyên – giáp với các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên. Hành lang xanh cũng có một phần ở phía Bắc của huyện Mê Linh, khu đồi núi Hàm Lợn gần Sóc Sơn. Khu vực này được xác định có các chức năng chính là diện tích đất nông nghiệp, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, diện tích phát triển dựa trên bảo tồn, khu vực nông thôn (làng nông nghiệp, làng nghề…).

Thuyết minh QHC 1259 chỉ ra hành lang xanh có vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng với bảo tồn các tài nguyên sinh thái bao gồm thảm xanh, mặt nước đô thị, sông sinh thái, vùng ngập nước… Khu vực này hội tụ những điều kiện để duy trì phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững sinh kế của hơn 2 triệu nhân khẩu trong vùng nông nghiệp và cả sự bền vững cấu trúc xã hội, văn hóa lịch sử.

Bên cạnh đó, hành lang xanh còn đảm bảo cho Hà Nội thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu. Cụ thể, không chỉ vượt qua thảm họa ngập lụt, mà còn nạn khô hạn, ô nhiễm nước, đất, không khí, nguy cơ xâm nhập mặn do sông cạn. Hành lang xanh còn cung cấp mạng lưới giao thông đường thủy nội địa quan trọng với chi phí thấp, hiệu quả cao, giảm ô nhiễm, tạo cảnh quan sinh thái.

Báo cáo rà soát đánh giá QHC 1259 được Hà Nội công bố vào cuối năm 2021, phần nội dung liên quan đến hành lang xanh trong mô hình cấu trúc đã nhận định: “Đây là mô hình phù hợp với xu hướng chung của các nước đang phát triển, phù hợp với thực tế phát triển của Thủ đô; đảm bảo cho đô thị trung tâm sẽ được giảm tải… Xác định rõ ranh giới phát triển đô thị trong mạng lưới, khoảng cách ly giữa các đô thị là những khoảng không gian đệm gắn vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp, không gian văn hóa, giải trí…”.

So sánh bản đồ đô thị năm 2003 của Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP) và Bản đồ vệ tinh đêm tháng 8/2020 (Google Night) cho thấy, sau 17 năm (2003 - 2020) diện tích ở đô thị đã tăng 10 lần bao gồm vùng định cư phát sáng tập trung và các diện tích đô thị không có người ở (không phát sáng) như Khu đô thị Mê Linh, Hòa Lạc, dọc theo Đại lộ Thăng Long, đường 32, trục Bắc Nam… Có thể thấy, chiến lược bố trí dân cư vào các TP vệ tinh không đạt kết quả và phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang” đang đe dọa chiến lược hành lang xanh của Thủ đô.

Cần bước đột phá

Hành lang xanh chiếm 70% diện tích tự nhiên Hà Nội nhưng vẫn đủ bớt ra hơn 50.000ha đất lúa để phát triển đô thị, đủ không gian tăng thêm hơn 3 triệu người (160m2/người); đủ cho hơn 9 triệu người (tăng 1,5 lần so với dân số 2008 là 6,2 triệu). Các đề xuất giảm diện tích hành lang xanh xuống 60% để tăng đất đô thị 40% do dân đô thị tăng cần được cân nhắc. TP cần đẩy mạnh rà soát các dự án đô thị không thực hiện hay thực hiện xong không có người ở (còn gọi là “đô thị ma”) nằm trong khu vực hành lang xanh.

Thách thức lớn nhất của Hà Nội trong 20 năm qua và 10 năm tới chính là đối phó với suy thoái môi trường sinh thái bởi hai tác nhân đồng thời: Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị thiếu kiểm soát. Hậu quả nhận thấy là ô nhiễm đất, nước, không khí gia tăng. Trong đó môi trường nước suy thoái và suy kiệt rất rõ khi sông Hồng cạn nước, còn toàn bộ lưu vực các sông Đáy, Tích, Nhuệ, Thiếp, Cà Lồ thiếu nước dẫn đến tích tụ chất thải ô nhiễm từng bước hủy hoại môi trường thủy sinh thủy hệ.

Hành lang xanh từ vai trò thoát lũ nay cần được chuyển thành không gian trữ nước sạch, không những đảm bảo cân bằng nước cho sản xuất và sinh hoạt, hạn chế khô hạn dẫn đến nghèo dinh dưỡng. Không gian hành lang xanh sẽ đóng vai trò tái sinh tuần hoàn vật chất trong xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững.

Từ những năm 1980, kinh tế bao cấp còn thiếu thốn đủ bề, Hà Nội đã tích cực hình thành “Vành đai xanh thực phẩm” đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho gần 3 triệu cư dân nội thành và ngoại thành Hà Nội. Mô hình này đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và nhiều chuyên gia Việt Nam đã được mời sang các quốc gia châu Phi chia sẻ kinh nghiệm. Ngay trong 2 năm đại dịch vừa qua, các vùng nông nghiệp quanh Hà Nội đã cung ứng đầy đủ thực phẩm tươi sống cho toàn TP. Đây là một bài học quý để các nhà quản lý nhận ra vai trò trọng yếu của hành lang xanh, vành đai xanh Hà Nội.

Trong nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu quy hoạch phải “phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu... nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn Thủ đô”. Mục tiêu này cần được gắn với chiến lược phát triển hành lang xanh, vành đai xanh của Thủ đô.

Các không gian xanh kiểm soát phát triển của Hà Nội mới chỉ được thiết lập về ranh giới chứ chưa đảm bảo về tính chất. Do đó, định hướng phát triển của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần giải quyết được những vấn đề thực trạng đang nổi cộm để cải tạo các không gian xanh này về đúng chất lượng cần có. Mục tiêu trước mắt là tạo lập không gian nhiều diện tích xanh, mật độ thấp, không phát triển công nghiệp và đô thị, cải tạo và phủ xanh hệ thống điểm dân cư nông thôn để những không gian này trở nên xanh đúng nghĩa, là ranh giới phát triển thực sự cho Hà Nội.

 

Theo Báo cáo rà soát đánh giá QHC 1259, thực tế, các vành đai xanh, nêm xanh chưa được chú trọng bảo vệ phát triển. Các khu đô thị được thực hiện với rất nhiều dự án riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ kết nối. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung chưa có kế hoạch đầu tư.