Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch tỉnh giúp Đồng Nai "cất cánh" và hội nhập

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng nhận định, đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đồng Nai, các nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhân dân và của cả nước...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong thời gian qua, đây cũng là cơ sở để củng cố, tăng cường niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng đánh giá quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; có giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Đồng Nai và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị với nội dung kết hợp "2 trong 1": công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai và xúc tiến đầu tư.

Đồng Nai có vị trí địa lý chiến lược quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực phát triển năng động hàng đầu cả nước, là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và là mắt xích quan trọng trong liên kết vùng thông qua kết nối đa phương tiện: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đồng Nai có diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái lớn, trên 190 nghìn ha; dẫn đầu cả nước về sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi quy mô công nghiệp.

Đồng Nai có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, mệnh danh là thủ phủ công nghiệp (32 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp); thu hút FDI lớn (gần 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 37 tỷ USD), có quy mô công nghiệp chế biến chế tạo lớn nhất cả nước.

Đồng Nai có thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; là "lá phổi xanh" giữa miền Đông Nam Bộ với khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai với diện tích 756 nghìn ha với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Với dân số đông, Đồng Nai là có nguồn lực lao động dồi dào cho phát triển kinh tế. Toàn tỉnh có 3,3 triệu dân, chiếm 3,2% dân số cả nước và đứng thứ 5 cả nước với 1,9 triệu lao động.

Hệ thống khu công nghiệp phát triển mạnh, thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn (32 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp, với trên 84% diện tích lấp đầy; trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đạt 37 tỷ USD).

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch tỉnh Đồng Nai cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Tại hội nghị, tỉnh Đồng Nai đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 155.000 tỷ đồng (6,2 tỷ USD).
Tại hội nghị, tỉnh Đồng Nai đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 155.000 tỷ đồng (6,2 tỷ USD).

Thủ tướng chỉ ra 3 yếu tố, tư tưởng quan trọng trong công tác quy hoạch: luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và Nhân dân; phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, cả nước, khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch gồm: tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác hiệu quả cho phát triển nhanh, bền vững; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình với thứ tự ưu tiên để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, bên trong-bên ngoài).

Phân tích thêm về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Đồng Nai, Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng Nai có vị trí chiến lược về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; nguồn nhân lực dồi dào, dân số trẻ, nhiều khát vọng; là đầu mối giao thông quan trọng, đủ 5 phương thức vận tải; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng; lợi thế thiên nhiên đa dạng, phù hợp phát triển xanh, bền vững, toàn diện.

Về kết quả thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cơ bản Đồng Nai đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong bối cảnh rất khó khăn, đặc biệt là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 với một tỉnh công nghiệp, đông dân. Trong những tháng đầu năm 2024, tỉnh đã phục hồi và phát triển tương đối toàn diện.

Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế của Đồng Nai vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế và vị trí địa lý chiến lược; chất lượng tăng trưởng, kết quả cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh, việc phát triển các các khu công nghiệp chuyên biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo cần nâng cao hơn nữa.