Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030: Mở đường cho giai đoạn phát triển mới

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nội dung quan trọng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, khóa XV, đó là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tổng thể quốc gia).

Đây có thể coi là nhiệm vụ quan trọng, được ví như “người lính mở đường” được đặt nhiều kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tạo bức tranh tổng thể của cả quốc gia

Tại Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội đã nêu rõ: Sau hơn 35 năm đổi mới, bên cạnh kết quả đạt được nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức như không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Bản đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.
Bản đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, hạ tầng năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư. Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, tính liên kết còn yếu, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế…

Các hạn chế, yếu kém này được cho là xuất phát từ việc còn tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, dài hạn để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước. Công tác quy hoạch chưa thật sự được coi trọng đúng mức, chất lượng các quy hoạch chưa cao; thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương.

Do đó, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém lâu nay trong công tác quy hoạch, đặc biệt là tình trạng tổ chức không gian phát triển còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ nét các vùng động lực và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trước đây có tới 3.650 quy hoạch, giờ giảm đi được 97%, chỉ còn 111 quy hoạch. Đó là Quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch của 6 vùng kinh tế, 63 quy hoạch của các tỉnh, 39 quy hoạch của ngành.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, trong số 111 quy hoạch thì Quy hoạch tổng thể quốc gia đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất dẫn dắt các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Sau một thời dài lấy ý kiến, điều vui mừng mới đây Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Với việc được thông qua và ban hành, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tạo ra bức tranh tổng thể của cả quốc gia về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo ra sự hài hòa, liên kết giữa các vùng với nhau và giữa các tỉnh, TP với nhau; đưa ra những mũi nhọn, trọng tâm cho phát triển kinh tế - xã hội mà mỗi tỉnh thành, mỗi vùng phải đảm nhận.

“Hy vọng sau khi Quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt, quy hoạch các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư sẽ được đẩy nhanh hơn, tạo ra công cụ mới cho phát triển. Đặc biệt, tạo điều kiện cho việc điều chỉnh quy hoạch các vùng đã được duyệt trong khoảng 10 năm nay, hiện đã có nhiều đổi mới như vừa qua T.Ư có chỉ đạo mới về vùng Đồng bằng sông Hồng” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội

Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy hoạch tổng thể quốc gia là định hướng phân bổ các vùng đô thị lớn gồm vùng đô thị Hà Nội, vùng TP Hồ Chí Minh, vùng đô thị Đà Nẵng, vùng đô thị Cần Thơ. Trong đó, xây dựng hệ thống đô thị vùng Hà Nội gồm Thủ đô Hà Nội và các đô thị vệ tinh thuộc các tỉnh xung quanh trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, bao gồm các trục từ Hà Nội kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường Vành đai 4, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông Thủ đô, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Bắc. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 4, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế.

Hà Nội tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị; xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; quản lý, khai thác không gian ngầm gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị; xây dựng các TP trực thuộc Thủ đô Hà Nội, các đô thị vệ tinh có hạ tầng đồng bộ, tiện ích và dịch vụ đô thị, giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm, giảm tải khu vực nội đô và mở rộng không gian phát triển của Hà Nội.

Có thể nói, Hà Nội với vai trò là Thủ đô đã được nhiều văn bản pháp quy quy định. Đặc biệt, gần đây nhất Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô đã xác định vai trò của Thủ đô với vùng và cả nước. Với những định hướng về phát triển vùng đô thị Hà Nội nêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, một lần nữa Quốc hội khẳng định mạnh mẽ hơn nữa vai trò, chức năng nhiệm vụ của Thủ đô Hà Nội.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia một lần nữa xác định và cụ thể hóa, tạo thêm nguyên tắc, giải pháp thực hiện những định hướng mà Bộ Chính trị đã đặt ra trong Nghị quyết 15 đối với Hà Nội. Để Hà Nội thực hiện tốt vai trò đầu tàu về khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế; giải pháp hạ tầng kỹ thuật… và hơn hết, để làm rõ hơn trách nhiệm của Hà Nội vì cả nước và đồng thời cả nước vì Hà Nội.

“Trong bối cảnh Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được thông qua, chúng ta cần sớm xem xét sửa đổi bổ sung, hoàn thiện Luật Thủ đô. Có như vậy chúng ta mới có bộ khung pháp lý hoàn chỉnh và có những giải pháp đồng bộ thực hiện vai trò mà cả nước giao trọng trách cho Hà Nội” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

 

"Khi Quy hoạch tổng thể quốc gia ra đời, bên cạnh tính dẫn dắt quy hoạch tỉnh, TP, hy vọng mỗi địa phương vẫn chủ động nghiên cứu lập quy hoạch của tỉnh, TP mình. Bởi quy hoạch hiện nay không những thực hiện từ trên xuống mà còn từ ngang sang và từ dưới lên. Điều này đòi hỏi chúng ta vẫn phải có sáng tạo, linh hoạt, suy nghĩ thật thấu đáo trong thực hiện quy hoạch tỉnh, TP, đóng góp lại cho Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Đây là tính linh hoạt, sáng tạo mới trong hệ thống quy hoạch lần này mà Quốc hội đã thông qua." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm