Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Còn thiếu quyết liệt

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) luôn là vấn đề nóng, được xã hội quan tâm. Trong khi đó, công tác quy hoạch và quản lý giết mổ đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Một lò mổ theo dây chuyền tại huyện Thường Tín. Ảnh: Phương Nga
Nhiều bất cập
Hiện nay trên địa bàn TP có 1.070 cơ sở giết mổ GSGC nhưng chỉ có 128 cơ sở được kiểm soát. Lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát mới chỉ đạt khoảng 60,33% nhu cầu. Hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, không có địa điểm cố định mà rải rác ở hầu hết các khu dân cư của các huyện, thị xã. Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất ATTP.

Trong khi đó, các cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động còn hạn chế mới chỉ đạt 15 – 30% công suất thiết kế, thậm chí một số phải ngừng hoạt động giết mổ dây chuyền hoặc chuyển sang giết mổ sàn (giết mổ thủ công bán công nghiệp) để duy trì hoạt động. Thực tế, không ít DN, HTX mạnh dạn đầu tư cho giết mổ tập trung hiện đại nhưng phải hoạt động cầm chừng do không cạnh tranh được với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Huyện Phúc Thọ là một điểm nóng trong giết mổ GSGC của TP Hà Nội. Toàn huyện có 161 hộ giết mổ GSGC, trong đó chỉ có 1 hộ đủ điều kiện được cấp giấy phép, còn lại là các hộ giết mổ nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên thừa nhận, việc kiểm soát giết mổ GSGC trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập, các xã chưa hình thành được khu giết mổ tập trung, các hộ giết mổ nhỏ lẻ và đa số trong khu dân cư nên việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ còn gặp khó khăn, gây ô nhiễm môi trường... Đây không chỉ là thực trạng của riêng huyện Phúc Thọ mà là tình trạng chung của nhiều huyện như Thanh Oai, Hoài Đức, Đông Anh…

Siết chặt quản lý

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công vẫn tồn tại là do quy mô chăn nuôi còn phân tán. Sự tồn tại giết mổ nhỏ lẻ với chi phí thấp dẫn tới khó kiểm soát và gây khó khăn cho các cơ sở giết mổ công nghiệp. Trong khi đó, chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt, chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ và chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm; năng lực cán bộ quản lý ATTP ở cấp xã còn yếu.

Để giải quyết tồn tại trên, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Ngoài chính sách chung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cần có chính sách đặc thù thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, có thói quen sử dụng sản phẩm động vật rõ nguồn gốc, xuất phát từ cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát… Từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ GSGC không đảm bảo yêu cầu vệ sinh theo quy định. Quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán giết mổ tại các cơ sở giết mổ tạm thời, các chợ kinh doanh sản phẩm GSGC; tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP và vệ sinh môi trường, xử lý triệt để các vi phạm trong lĩnh vực thú y.

Đối với những dự án đã được UBND TP phê duyệt, nếu việc thực hiện chậm tiến độ, kéo dài, không hiệu quả, cần tiến hành thu hồi và giao cho đơn vị khác có năng lực thực hiện.