Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch xây dựng: Tạo lập đô thị văn minh

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã tập trung đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt các quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng tốc độ phát triển, cần có cơ chế đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc liên quan.

Đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Thanh Hải
Nâng cao công tác quy hoạch
Số liệu báo cáo từ Sở QH - KT, từ khi thực hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, tỷ lệ phủ kín diện tích quy hoạch được duyệt đạt 86%, đặc biệt giai đoạn từ 2016 – 2019, TP đã phê duyệt thêm nhiều đồ án quy hoạch có tác động tích cực đến quá trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Cụ thể, phê duyệt thêm 2 quy hoạch phân khu đô thị, 2 quy hoạch chung, 1 quy chế quản lý kiến trúc, 59 quy hoạch chi tiết, 29 quy hoạch điều chỉnh tổng thể, 80 hồ sơ chỉ giới đường đỏ các tuyến đường, 2 quy hoạch đặc thù tại ga Hà Nội và bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, lập quy hoạch 20 khu nhà chung cư cũ, 5 khu nhà ở xã hội tập trung. Cùng với đó đã xây dựng 28 quy chế quản lý kiến trúc đô thị, 6 quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải, 2 quy hoạch về bến bãi đỗ xe; hoàn thành 14/15 quy hoạch chung quận huyện, trong đó quy hoạch huyện Gia Lâm tạm dừng để nghiên cứu cùng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô khu vực Bắc sông Hồng; 14/14 quy hoạch chung thị trấn và thị trấn sinh thái; 5/5 quy hoạch chung đô thị vệ tinh...

Tiêu biểu là một số quy hoạch, gồm: Phân khu đô thị Đồng Mai (226ha), phân khu đô thị GN (A); Đồ án thiết kế, chỉnh trang cải tạo hai bên tuyến đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân); Quy hoạch chi tiết tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, Nhà tang lễ Quốc gia, Công viên nghĩa trang Mỹ Đức; quy hoạch chi tiết đường Lê Văn Lương và Lê Văn Lương kéo dài; Thiết kế đô thị đường vành đai 2 – Trường Chinh, Vành đai 3 – Nguyễn Xiển...

Phó Trưởng phòng Quy hoạch – Kiến trúc 2 (Sở QH - KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn cho biết, công tác quy hoạch xây dựng khu vực đô thị (30%), tỷ lệ hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị (theo số lượng đồ án và theo diện tích phủ kín quy hoạch) đến tháng 9/2020 đạt khoảng 85 - 86%. Khu vực nông thôn (70%), tỷ lệ hoàn thành quy hoạch chung huyện và điều chỉnh quy hoạch chung xã nông thôn mới (theo số lượng đồ án và theo diện tích phủ kín quy hoạch) đạt 93 - 96%. “Giai đoạn 2016 - 2020 Sở QH - KT đã xây dựng và ban hành những chương trình, kế hoạch cụ thể, như xác định, xây dựng lộ trình có thứ tự ưu tiên và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng quý, từng năm; phân công cụ thể cho từng lãnh đạo phụ trách, phòng chuyên môn chủ trì và cán bộ công chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn. Vì vậy, tỷ lệ độ phủ kín quy hoạch được nâng cao, quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch ngày càng được siết chặt, hiệu quả” – ông Lã Hồng Sơn cho hay.

Cần cơ chế đặc thù

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, không thể phủ nhận những thành tựu của quy hoạch đã góp phần làm thay đổi bộ mặt Thủ đô theo chiều hướng hiện đại hơn nhưng quản lý quy hoạch của Hà Nội vẫn còn bất cập. "Công tác quy hoạch đô thị là cả một quá trình phát triển, có những nhu cầu về phát triển mà 5 năm trước không nhìn thấy. Ví dụ như cần mở rộng đường, làm bãi xe ngầm, trồng thêm cây xanh, xây trường học... nhằm giảm tải áp lực, xây dựng đô thị Hà Nội bền vững" - ông Trần Ngọc Chính cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thời gian qua, công tác quy hoạch đã từng bước giúp cho Thủ đô xây dựng đô thị văn minh hiện đại, thu hút hiệu quả đầu tư, với nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng đồng bộ như An Khánh, Mỹ Đình, Văn Quán, Mỗ Lao, Việt Hưng, Gamuda, Ciputra, VinCity, Vinhome, Ocean Park... Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển mở rộng vùng đô thị lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài với một số dự án lớn như Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh...

Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch được đẩy mạnh, tỷ lệ phủ kín, quản lý đầu tư xây dựng ngày càng được nâng cao, siết chặt, hiệu quả. Chất lượng quy hoạch đảm bảo cơ bản bám sát thực tế, yêu cầu phát triển của đô thị. “Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành các quy hoạch chung, đô thị vệ tinh, phân khu, cải tạo khu chung cư cũ chậm. Chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần. Việc xây dựng kế hoạch triển khai thực tế chưa rõ nét, thiếu tính khả thi, cập nhật, tiến độ xây dựng chương trình phát triển đô thị còn chậm” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng nhìn nhận.

Để khắc khục những hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho rằng, trong giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến 2030, công tác quy hoạch cần phải có định hướng cụ thể, rõ ràng theo quy định của Luật Quy hoạch trên cơ sở tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và những quy hoạch chuyên ngành liên quan. “Đồng thời, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng quy định cụ thể cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện phát triển đô thị như di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ra khỏi khu vực nội thành, phát triển nhà ở, cải tạo chung cư cũ... Tăng cường phân cấp, phân quyền thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng cho TP phê duyệt quy hoạch điều chính chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch chuyên ngành...” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ trọng tâm công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. Tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại, mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh và đô thị thông minh. Tăng cường quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, kỷ cương, văn minh đô thị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ