Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy mô hệ thống ngân hàng ngầm toàn cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo công bố mới đây của Ủy ban Bình ổn Tài chính (FSB) - cơ quan điều tiết các chính sách cải tổ tài chính toàn cầu, quy mô hệ thống “ngân hàng bóng” lên tới 67.000 tỷ USD cuối năm 2011.

Khái niệm ngân hàng ngầm – ngân hàng bóng (shadow banking system) là khái niệm mới, xuất hiện chủ yếu trong khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008-2009 là các hoạt động giao dịch mang tính chất ngân hàng do các định chế tài chính phi ngân hàng thực hiện.

Các giao dịch này là được phép nhưng nó chưa nằm trong quy chế ngân hàng như dịch vụ cung cấp cho vay dưới hình thức các sản phẩm phái sinh, repo trên thị trường OTC… Các giao dịch này không quy chuẩn trong khi quy mô của các giao dịch này lại rất lớn.

Khu vực Đông Á mặc dù quy mô không lớn như Mỹ hay châu Âu nhưng đã phát sinh loại hình này do sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ. Ngày càng nhiều các sản phẩm phái sinh ra đời và nó sẽ lan từ nước này sang nước khác, không những thế còn gây ra rủi ro chéo (các sản phẩm phái sinh trên TTCK sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng) và điều này cần sự quan tâm lớn của cơ quan giám sát và cơ quan quản lý.
 
 
Quy mô hệ thống ngân hàng ngầm toàn cầu - Ảnh 1
Ủy ban châu Âu thắt chặt kiểm soát hệ thống "ngân hàng bóng"
 

Tại London vừa qua có hội nghị của các cơ quan giám sát trên thế giới bàn về hoạt động ngân hàng bóng và quy mô của hoạt động này trên thế giới lên tới 67.000 tỷ USD, nếu không sớm quy chế hóa hoạt động này và đưa vào vòng kiểm soát thì 5-10 năm nữa sẽ bùng nổ cuộc khủng hoảng rất lớn.

Theo công bố mới đây của Ủy ban Bình ổn Tài chính (FSB) - cơ quan điều tiết các chính sách cải tổ tài chính toàn cầu, quy mô hệ thống “ngân hàng bóng” lên tới 67.000 tỷ USD cuối năm 2011. Số liệu này tăng 8% so với 62.000 tỷ USD năm 2007. Đây là con số vô cùng lớn, vượt xa tổng sản lượng kinh tế của nhiều quốc gia cộng lại.

Chiếm khoảng một nửa hệ thống ngân hàng toàn cầu, “shadow banking” là nguồn vốn quan trọng với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng đe dọa đến bình ổn tài chính nếu sự phát triển của nó không được giám sát chặt chẽ.

Mỹ là nước có hệ thống “shadow banking” lớn nhất với 23.000 tỷ USD năm 2011, theo sau là Eurozone với 22.000 tỷ USD và Anh với 9.000 tỷ USD.

FSB được thành lập bởi 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2009. Cơ quan này đang cân nhắc một loạt chính sách mới giảm rủi ro hệ thống tiềm tàng do “shadow banking” và sẽ đưa ra khuyến nghị cuối cùng vào tháng 9/2013.

FSB cho biết: "Từ các số liệu có được, chúng tôi nhận thấy mối rủi ro tương quan có vẻ cao hơn tại các định chế tham gia shadow banking". Các trung tâm tài chính lớn, như Hong Kong, Hà Lan, Singapore và Thụy Sĩ đều có quy mô shadow banking rất lớn, một phần do hoạt động của các định chế nước ngoài.

Đôi nét về hệ thống “ngân hàng bóng”

Rất lâu trước khủng hoảng cho vay dưới chuẩn 2007-2009, tại Mỹ, ngành tài chính được chia làm hai nhánh: các ngân hàng thương mại (NHTM) truyền thống và các ngân hàng đầu tư. Ở nhánh thứ 2, các ngân hàng đầu tư còn lấn sân mạnh sang khu vực cho vay thương mại qua chứng khoán hóa khoản vay truyền thống để tạo vốn cho các chu kỳ cho vay mới, hình thành loại hình NHTM mới gọi là “shadow banking system - SBS” hay có thể gọi là những thể chế tài chính hoạtđộng trong bóng tối hoặc bên lề hệ thống NHTM chính thống, ngoài vòng giám sát của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (FDIC).

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, sự chuyển đổi kỳ hạn, thanh khoản và tín dụng trong hệ thống SBS giúp tăng giá trị tài sản trên thị trường bất động sản khu vực dân cư và thương mại, góp phần giảm đáng kể chi phí tín dụng liên quan đến cho vay trực tiếp.

Tuy nhiên, việc các trung gian tín dụng phụ thuộc vào nợ ngắn hạn để cấp vốn cho tài sản dài hạn thiếu thanh khoản là một hành động rủi ro và có thể gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt.

Nếu những rủi ro này không được quản lý, hệ thống SBS có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sự phá sản của các trung gian tín dụng có thể gây ra những hậu quả, bất lợi lớn hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt khi có sự hoài nghi về khả năng thanh toán của nhà cung cấp tín dụng khu vực tư, niềm tin về sự ổn định hệ thống SBS sẽ không còn.

Điều này đã được chứng minh trong giai đoạn “nóng” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi hệ thống SBS rơi vào tình trạng căng thẳng về vốn và thanh khoản, nhiều shadow banks đứng trước nguy cơ đổ vỡ; tình trạng rút tiền hàng loạt xảy ra tại hệ thống SBS bắt đầu vào hè năm 2007 và đạt đỉnh điểm sau đổ vỡ của Lehman vào tháng 9 và 10/2008.

Từ đó đến nay, hệ thống ngân hàng bóng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan giám sát.

Theo các chuyên gia, xét cho cùng, hệ thống trung gian tài chính, dù là ngân hàng truyền thống hay “ngân hàng bóng”, sẽ liên tục có những biến đổi nhằm đáp ứng với nhu cầu ngày càng đa dạng về các công cụ huy động vốn và sản phẩm tín dụng, để đảm bảo sự kết nối hiệu quả hơn, nhanh nhạy hơn và an toàn hơn giữa nguồn tiết kiệm với các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Song cần có nhìn nhận khách quan với hai mặt của sự vận động của hệ thống thống “ngân hàng bóng” để có những biện pháp giám sát phù hợp, nhằm phát huy mặt tích cực của hoạt động “ngân hàng bóng”, tăng tốc độ luân chuyển vốn trên thị trường tài chính trên cơ sở an toàn và hiệu quả, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực, tránh rủi ro cho hệ thống tài chính và nền kinh tế.