Công ty CP Đầu tư Việt Nam Oman là liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman (OIA) và SCIC.
Thông tin từ SCIC cho biết, gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về việc Quỹ Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI) đầu tư vào F88. Về vấn đề này, SCIC thông tin: Về nguồn vốn đầu tư: Nguồn vốn đầu tư vào F88 được thực hiện bởi Ủy ban Đầu tư Vương quốc Ô-man (Oman Investment Authority) và SCIC không đầu tư vào F88.
Về vai trò của VOI đối với khoản đầu tư: VOI không trực tiếp thực hiện đầu tư vào F88. Vai trò của VOI là tư vấn đầu tư và quản lý tài sản theo hợp đồng dịch vụ giữa VOI và Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority).
Như vậy, có thể hiểu, Ủy ban Đầu tư Vương quốc Ô-man rót vốn vào F88 thông qua Cơ quan tư vấn đầu tư và quản lý tài sản là Quỹ VOI.
Trên website của VOI, tổ chức đang đầu tư vào khá nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như y tế. giáo dục, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, đường cao tốc và nước sạch các nhà máy ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hậu Giang. Số tiền giải ngân trong hơn một thập kỷ là hơn 250 triệu USD, trở thành dòng vốn đầu tư điển hình từ Trung Đông vào Việt Nam.
Trước đó, ngày 2/3/2023, F88 thông tin tiếp tục gọi vốn thành công 50 triệu USD từ hai quỹ ngoại. Hai quỹ đầu tư mới nhất rót vốn cho F88 là quỹ đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV. Trong số 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) mà F88 nhận được lần này, Quỹ đầu tư Việt Nam - Oman, đại diện cho cơ quan đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority - OIA).
Dù đã nhiều lần nhận vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế vào trong các năm từ 2017, 2018 đến 2020 nhưng đây là lần đầu tiên F88 nhận vốn từ một quỹ đầu tư Chính phủ nước ngoài. Và đây cũng là lần đầu tiên, VOI đầu tư vào một công ty kinh doanh lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Giao – Giám đốc đầu tư của VOI - cho biết dù đã chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam từ năm 2009 đến nay nhưng quỹ mới rót vốn khoảng 20 dự án và hầu hết tập trung ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục. Nguyên tắc lựa chọn đầu tư của quỹ là ngoài yếu tố lợi nhuận, đơn vị nhận đầu tư phải tạo ra được giá trị tích cực, giải quyết các vấn đề tồn tại trong xã hội, đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng. Quy mô các khoản đầu tư của VOI thường giao động từ 10 – 30 triệu USD và khoản đầu tư dành cho F88 lần này chứng tỏ VOI đánh giá cao tiềm năng phát triển của F88.
Từ năm 2022 đến nay, F88 cũng đã có được sự hợp tác vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Năm 2022, doanh nghiệp này đã huy động thành công 70 triệu USD từ các quỹ tài chính như CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London). Tiếp đến là kết hợp với các ngân hàng quốc tế như CIMB Việt Nam (chi nhánh của tập đoàn CIMB có nguồn gốc từ Malaysia) và Kasikornbank (Kbank) là một trong ba ngân hàng lớn nhất Thái Lan để phân phối các sản phẩm tài chính toàn diện tại Việt Nam, trong đó có các khoản vay theo hình thức cầm cố tài sản.