Quy rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Đa số các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật này, bởi tình trạng lãng phí nghiêm trọng diễn ra ở mọi cấp, mọi nơi, dưới nhiều hình thức, tác động xấu đến cuộc sống người dân, đất nước, gây bức xúc trong dư luận.

Lãng phí từ dự án đến chính sách

Góp ý cụ thể vào nội dung của dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần phải có quy định rõ hơn về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng lãng phí. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Dự thảo luật chỉ mới chạm tới phần ngọn, mà chưa đụng tới cái gốc của vấn đề lãng phí. Thực tế có biết bao nhiêu công trình, dự án như là mía đường, xi măng lò đứng, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi, chợ … công trình không sử dụng được hoặc không được sử dụng, sản xuất bị lỗ hoặc không sản xuất được, hoạt động cầm chừng theo kiểu bỏ thì thương, vương thì tội. Dù hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm?”.

Đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) cho rằng: Đối với những người có thẩm quyền để xảy ra lãng phí thì phải chịu bồi thường hoặc bị cách chức. Vì vậy, để Luật Thực hành tiết kiệm đi vào cuộc sống, đề nghị xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra lãng phí bằng chế tài cụ thể, có thể xử lý hình sự để tạo sự răn đe trong xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng đề nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 16 của dự thảo luật quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ra quyết định đầu tư thiếu căn cứ khoa học, không bám theo quy hoạch đã được phê duyệt hoặc đầu tư thiếu đồng bộ không vì mục tiêu phát triển cộng đồng để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thất thoát lãng phí do quyết định của mình gây ra.

Liên quan đến lãng phí đến từ các chính sách “trên trời”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bức xúc nêu ý kiến: Ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm thì cũng chỉ bị phê bình khiển trách. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước sai ngay từ khi lúc ban hành vậy lãng phí đã hình thành ngay từ khi ra quyết định.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng bày tỏ sự thống nhất cao về xử lý trách nhiệm đối với tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc tham mưu, soạn thảo thẩm định gây lãng phí. “Vấn đề tham mưu ban hành văn bản nếu mà cấp tỉnh xảy ra thì phải nói cấp tỉnh, cấp huyện xử lý rất nghiêm. Tôi thấy cấp Trung ương mà ban hành lãng phí thì không xử lý được. Thời gian vừa qua, luật hiện hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị định 40 của Chính phủ ban hành từ năm 2010 đến nay cũng đâu xử lý ai được. Tôi thấy từ Nghị định này nếu thấy xử lý không được thì đưa thẳng vào luật”, đại biểu Tính đề nghị.

Siết chặt quản lý nguồn nhân lực

Một nội dung khác được các đại biểu tập trung phân tích là tình trạng lãng phí nguồn nhân lực từ các cơ quan Nhà nước. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) dẫn chứng: Các đồng chí lãnh đạo cấp cao đều thấy tình trạng từ 20-30% biên chế không làm việc. Tôi ví dụ một đơn vị nhỏ 100 biên chế, nếu 30 người không làm việc thì lương tối thiểu của 30 người 1 tháng mất 75 triệu, 1.500 m2 nhà làm việc, nếu tính 10 triệu/m2 như nhà ở xã hội là mất bao nhiêu tiền, chưa kể đi công tác, xăng xe, những chuyện khác. Thi tuyển rồi, vào đến nơi không đảm bảo chất lượng lại phải gửi đi đào tạo. Có những đồng chí vào thời gian đi đào tạo để đạt tiêu chuẩn còn nhiều hơn thời gian làm việc, nên gây lãng phí rất lớn. Vì vậy, cần siết chặt quản lý trong bộ máy hành chính từ việc tuyển dụng, đào tạo đến bổ nhiệm cán bộ và đề nghị Quốc hội giám sát thật kỹ để chống tiêu cực.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nêu ý kiến: Chúng tôi thấy chính là kỷ cương, kỷ luật, hành chính quản lý của chúng ta không tốt cũng đã gây một lãng phí rất lớn. Điều này tạo nên một năng suất lao động thấp và tiêu hao tiền bạc nhiều hơn và hiệu quả lại thấp hơn. Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cũng đề nghị Nhà nước rà soát, có sự tinh giảm biên chế đối với những đối tượng công chức “ngồi không” để tránh lãng phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước; có biện pháp xử lý, hạn chế các vụ tham nhũng, có như vậy Nhà nước mới thực sự của dân, do dân và vì dân.