Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy tắc ứng xử mềm hạn chế những " mặt tối" cho mạng xã hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, người ta dễ dàng tìm thấy những lời bình luận ác ý, đả kích, chê bai trên mạng xã hội, các diễn đàn về bất cứ nhân vật, sự kiện nào.

Để hạn chế tối đa những “mặt tối” mà mạng xã hội mang lại, bên cạnh những quy định pháp luật cũng cần có các quy tắc “mềm” nhằm thúc đẩy tác động tích cực từ môi trường ảo.
Công cụ để tấn công
Theo báo cáo mới nhất của Social Media Stats, tính đến hết tháng 11/2019, Việt Nam đang có 58,17% cư dân sử dụng Facebook, 15,92% số người dùng Twitter, 11,45% sử dụng YouTube, 10% sử dụng Pinterrest và số người mới tham gia những mạng xã hội này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
 Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, người Việt, đặc biệt là trong lứa tuổi từ 18 - 34 dùng tới hơn 2 giờ 30 phút mỗi ngày để truy cập mạng xã hội, con số cao hơn khá nhiều so với trung bình của thế giới. Theo báo cáo năm 2018 của We are Social, Facebook hiện có khoảng 55 triệu thành viên, chiếm 57% dân số. Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Nhóm tuổi sử dụng Facebook nhiều nhất nằm trong khoảng 25 - 34 tuổi.
Những con số nói trên đã cho thấy, ngày nay, những mạng xã hội như Facebook hay YouTube đang trở thành phần không thể thiếu, thậm chí là yêu tiên hàng đầu của người dùng trực tuyến Việt Nam. Đối với giới trẻ, mạng xã hội đang là công cụ chính để kết nối bạn bè, cập nhật tin tức, giữ liên lạc với người khác hay chia sẻ về cuộc sống của mình. Tuy nhiên, phần tiêu cực mà mạng xã hội đã và đang mang lại cũng ở tình trạng đáng báo động.
Theo kết quả khảo sát từ Chương trình nghiên cứu internet và Xã hội của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, có tới 78% số người dùng mạng xã hội khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.
Trong đó, 61,7% người dùng phải gánh chịu hậu quả từ việc nói xấu, phỉ báng; 47% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin; 22% bị kỳ thị vì các khuyết tật của bản thân. Trong hầu hết các trường hợp nói trên, nạn nhân gần như bất lực và cách duy nhất họ có thể làm là yêu cầu những đối tượng đăng tải gỡ bỏ những thông tin sai trái nhưng gần như là không được đáp ứng.
Điển hình là trường hợp đau lòng diễn ra vào năm 2018 khi nữ sinh lớp 11 H.T.L người Nghệ An đã tự tử vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội. Mọi việc bắt nguồn từ một clip ghi lại cảnh L và bạn trai hôn nhau trong lớp, đoạn video sau đó đã được tung lên nhiều trang mạng. Lời cảm thông quá ít mà thay vào đó là những bình phẩm cay độc, chế diễu ác ý xuất hiện tràn ngập khiến L nghĩ quẩn và tìm đến cái chết ở tuổi 16.
Không chỉ dừng lại ở công kích cá nhân, mạng xã hội còn đang là nơi để các thành phần bất hảo tuyên truyền lối sống tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giới trẻ, từ đó dẫn tới nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho xã hội. Có thể kể đến như trường hợp của Ngô Bá Khá hay còn biết đến với biệt danh Khá "Bảnh" từng một thời nổi đình nổi đám trên Youtube.
Nhờ những video mô tả các cuộc ăn chơi thác loạn hay lối sống giang hồ cùng nhiều lời lẽ thô tục, phản cảm, Khá đã là thần tượng của không ít bạn trẻ chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện. Tuy nhiên, con đường "giang hồ mạng" của Khá đã kết thúc khi đối tượng này vừa bị tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Bên cạnh người dùng cá nhân, DN cũng là đối tượng bị gánh hậu quả từ những chiêu trò cạnh tranh "bẩn", trong đó mạng xã hội là công cụ đắc lực. Có thể kể đến trường hợp mới đây của Vinamilk khi DN này đã trở thành nạn nhân của các tin thất thiệt trên Facebook.
Cụ thể, một tài khoản Facebook cá nhân đã đăng tải một số hình ảnh được cho là danh sách nhập khẩu nguyên liệu của Vinamilk, phần lớn trong số này là bột sữa gầy, từ đó dẫn tới những chia sẻ, bình luận tiêu cực về chất lượng sản phẩm. Mặc dù phía Vinamilk đã phản bác kịp thời thông tin nói trên nhưng vốn hóa của DN đã bị "thổi bay" tới hơn 5.572 tỷ đồng trong ngày 2/12 vừa qua.
Ngoài ra cũng cần kể đến tình trạng tin giả, tin xấu đang hoành hành dữ dội trên môi trường mạng Việt Nam, đặc biệt là tại Facebook với mục đích câu like nhằm bán hàng hoặc được nổi tiếng có nhiều người theo dõi. Hàng loạt các tin sai sự thật như vụ máy bay rơi, trẻ em nhập viện vì thịt lợn chứa chất an thần, thổi phồng về dịch tả lợn châu Phi, tin giả về bệnh sán lợn,… đã khiến dư luận hoang mang, bức xúc hoặc thậm chí là ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống hàng ngày. Không những thế những tin giả kiểu này còn bị các thế lực phản động sử dụng nhằm xuyên tạc lịch sử, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Làm sao mạng xã hội phát triển an toàn?
Từ những mặt tiêu cực mà mạng xã hội đã bộc lộ, có thể thấy mặc dù đã có hàng loạt các văn bản pháp lý, quy định về quản lý Nhà nước nhưng việc loại bỏ hoàn toàn mặt xấu của mạng xã hội là không thể mà thay vào đó cần có những biện pháp nhằm hạn chế tiêu cực có thể phát sinh. Và một trong những biện pháp như vậy là “Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” hiện đang được Bộ TT&TT soạn thảo.
Cụ thể, Bộ quy tắc yêu cầu người sử dụng mạng xã hội phải công khai danh tính, đối với các tổ chức phải công bố đầu mối liên lạc của cá nhân có trách nhiệm phát ngôn hoặc đăng tải thông tin trên mạng. Việc công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội phải bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan công tác. Khi ứng xử trên mạng xã hội cần có văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính.
Bên cạnh đó, người sử dụng mạng xã hội không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên không gian mạng; không ứng xử thuận chiều với thông tin xấu, độc, tin đồn, ảnh hưởng tiêu cực; ứng xử trên mạng xã hội trái với chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; Cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến các cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền…
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng là đối tượng được hướng tới trong Bộ quy tắc này. Theo đó, DN cần ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực. Triệt để xóa bỏ, không lưu trữ thông tin (kể cả nội dung trò chuyện trực tuyến) mà người sử dụng dịch vụ đã tiến hành xóa bỏ.
Đồng thời, DN phải ban hành các biện pháp và công khai biện pháp ngăn ngừa hiện tượng nghiện sử dụng mạng xã hội. Có biện pháp ngăn ngừa trẻ em, trẻ vị thành niên tiếp cận các nội dung về bạo lực, nội dung dành cho người trưởng thành và các nội dung không phù hợp khác.
Đặc biệt, DN không được thu thập thông tin khi người sử dụng dịch vụ chưa được cho phép hay không biết thiết bị thu thập thông tin. Thu thập thông tin trong các nội dung trò chuyện trực tuyến của người sử dụng mạng xã hội… Hiện Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều điều tranh cãi, bàn thảo để bộ Quy tắc này có thể ban hành và đi vào cuộc sống, nhưng là cần thiết trước tình trạng ứng xử trên mạng xã hội ngày càng trở thành thảm kịch về đạo đức.

Theo kết quả khảo sát từ Chương trình nghiên cứu internet và Xã hội của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, có tới 78% số người dùng mạng xã hội khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Trong đó, 61,7% người dùng phải gánh chịu hậu quả từ việc nói xấu, phỉ báng; 47% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin; 22% bị kỳ thị vì các khuyết tật của bản thân.


Lấy các quy chuẩn đạo đức ngoài đời làm nền tảng

"Trong cuộc sống, ngoài các quy định của pháp luật, con người còn ràng buộc bởi những quy chuẩn đạo đức. Trước đây khi pháp luật còn hạn chế, làng nào cũng có hương ước, trong mỗi nhà có gia phong, sau này mỗi câu lạc bộ lại ra những quy định riêng, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng thiên về vấn đề đạo đức. Nó khỏa lấp một phần nào đó cho pháp luật hoặc nếu dùng pháp luật nhưng chưa phù hợp.

Bộ cho rằng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cần lấy các quy chuẩn đạo đức ngoài đời làm nền tảng nhưng phải phù hợp với một xã hội công nghệ. Quan trọng hơn, cách thể hiện phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Nếu dùng những từ ngữ như văn bản pháp luật hoặc quá trừu tượng sẽ rất khó thực hiện." - Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo


Nhiều lúc người ta ứng xử theo số đông

"Trước hết, có thể nhìn thấy một bộ phận người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang dùng thói đố kỵ để “dập hội đồng” thay vì nhìn vấn đề cân bằng, có trước có sau, thấu đáo. Nặng nề hơn nữa là thiếu cân nhắc hậu quả khi "ném đá" người ta dẫn đến những tổn thương hay thậm chí là cái chết. Đó là biểu hiện của thái độ tiêu cực, không tranh luận và phản biện có văn hóa, thái độ thù địch, trù dập người khác.

Thực ra chưa hẳn “ném đá” thể hiện sự bất bình và bức xúc đối với một nhân vật, sự kiện, vấn đề nào đó. Vì đôi lúc, người ta làm theo số đông, quán tính và hành động cảm tính. Có thể nói, cảm xúc chi phối khá nhiều đến tâm lý của con người. Nhận thức của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến cá nhân khác đặc biệt với trào lưu hướng về số đông, gây hấn hay tỏ ra sức mạnh nhóm thì “ném đá” dễ dàng trở thành kiểu ứng xử trên mạng. Hơn nữa, thế giới ảo với nhiều trò lố, sự thật không thật nên “ném đá” lâu dần có thể trở thành kiểu công kích, phản ứng mang tính “chỉnh sửa” được người ta dễ dàng thừa nhận." - PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam (Phương Anh ghi)