Quỹ tín thác đầu tư sẽ “rót” vốn mới cho địa ốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016” diễn ra sáng nay (23/3), các chuyên gia BĐS đều nhận định về lâu dài nên hình thành quỹ tín thác đầu tư BĐS (REIT).

Trong tương lai hình thức này sẽ có hiệu quả trong việc thu nhận nguồn vốn mới cho thị trường BĐS thông qua kênh chứng khoán.

Hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của quỹ tín thác BĐS đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện để hình thành lập và vận hành REIT. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại chưa có quỹ REIT nào được thành lập và huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán Việt Nam. 
Toàn cảnh hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016”
Toàn cảnh hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016”
Các quỹ REIT đang hoạt động tại Việt Nam đều do nước ngoài thành lập, niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài và hoạt động tại nước ta như một nhà đầu tư nước ngoài. Trong tình hình thị trường Việt Nam đã khởi sắc, đây là điều kiện để các nhà đầu tư trong nước thành lập các quỹ đầu tư BĐS hoạt động trên thị trường chứng khoán. Vấn đề còn lại là các nhà đầu tư cần nâng cao nhân thức để đi tiên phong trong quá trình chứng khoán hóa vốn đầu tư vào thị trường BĐS.

Quay lại với nguồn vốn chính của BĐS, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước, thị trường BĐS vẫn luôn phụ thuộc vào ngân hàng, cả người xây nhà lẫn người mua nhà. Cụ thể ở Mỹ, các tập đoàn thương mại, công nghiệp vay rất ít vốn ngân hàng (chủ yếu vay vốn lưu động) mà huy động vốn trên thị trường tài chính. 

Dự thảo Thông tư 36 của NHNN khi nâng cao hệ số rủi ro từ 150% lên 250% và cắt giảm việc sử dụng vốn ngắn hạn vào dự án trung hạn, dài hạn từ 60% xuống còn 40% có thể gây ra “đổ vỡ” cho thị trường BĐS mới chớm phục hồi.

Cùng quan điểm, Th.S Đoàn Ngọc Phương – Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai) cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, nới lỏng tín dụng BĐS là điều cần thiết, nhưng cần hướng dòng chảy tín dụng vào cầu BĐS hơn là cung BĐS. 

Đồng thời, cũng cần hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho cầu nhà ở thật sự và cung BĐS phân khúc sản phẩm trung bình. Cái cần hạn chế là dòng tín dụng chảy vào đầu cơ làm méo mó giá cả”

Ở góc độ DN, Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư BĐS Toàn cầu GP.Invest nhấn mạnh, việc Ngân hàng nhà nước quan tâm đến tình trạng an toàn của cả hệ thống tín dụng rõ ràng là trách nhiệm đương nhiên của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên theo ý kiến riêng, lãnh đạo GP Invest cho rằng dự thảo Thông tư 36, có lẽ chưa thật hợp lý. 

Bên cạnh tác dụng thực của thông tư nó lại làm dấy lên một tâm lý lo ngại của thị trường và kèm theo đó là những hậu quả liên quan đến một loạt các ngành sản xuất, dịch vụ khác như sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng... Tác dụng phụ này sẽ làm ảnh hưởng xấu cả đến tình hình công ăn việc làm của toàn xã hội.

Thực tế trước những đòi hỏi về vốn của thị trường địa ốc, nguồn vốn chính từ các ngân hàng thương mại, dễ “tổn thương” với những ràng buộc về chính sách tiền tệ đang đặt ra vấn đề cần nhanh chóng đa dạng hóa các loại hình huy động vốn khác nhau cho BĐS. 

“Hiệp hội BĐS Việt Nam đang chỉ đạo một số thành viên xây dựng quỹ BĐS niêm yết đầu tiên ở Việt Nam, với sự tham gia của các DN đầu tàu hi vọng hướng đi này sẽ tạo dòng vốn mới, tăng tính thanh khoản cho các dự án” ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh.